Về làng Mái thăm gia đình 3 nghệ nhân ưu tú

- Thứ Hai, 18/01/2021, 07:09 - Chia sẻ
Hơn 30 năm trước, sự xuất hiện của cơ chế thị trường khiến đội tranh dân gian làng Đông Hồ giải thể, nhiều người dân trong làng chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, có một gia đình vẫn say sưa sưu tầm, nghiên cứu, sản xuất, truyền dạy và tích cực giới thiệu nghề làm tranh truyền thống.
	Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam

Gắn bó và sống bằng nghề

Hỡi cô thắt bao lưng xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch, có lề

Có ao tắm mát, có nghề làm tranh

Làng Mái trong câu ca trên chính là tên nôm của làng Đông Hồ, nằm cách đê sông Đuống khoảng 6km, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Xuống dốc đê vào làng, qua vài con ngõ nhỏ, chúng tôi thăm gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, gia đình có 3 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Anh Nguyễn Hữu Hoa, con trai NNƯT Nguyễn Hữu Sam, từng công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, nay đã nghỉ hưu, tiếp chúng tôi trong căn nhà trưng bày các bản khắc, tranh. Chị Nguyễn Thị Oanh, vợ anh đang miệt mài vẽ tranh.

Anh Hoa kể, thân sinh ra anh là nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, sinh năm 1933, tại làng Đông Hồ, trong một gia đình có truyền thống làm tranh dân gian lâu đời. Từ khi còn nhỏ, ông Sam đã tham gia sản xuất tranh cùng gia đình, gắn bó và sống bằng nghề tranh nhiều năm nhất trong số các nghệ nhân đương thời.

Năm 1967, ông Nguyễn Hữu Sam được UBND xã và hợp tác xã Song Hồ cũng như bà con trong làng tín nhiệm giao trọng trách Đội trưởng Đội tranh dân gian, trực tiếp chỉ đạo và sản xuất tranh. Hai mươi năm liên tục, ông và bà con xã viên đã sản xuất, bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu hàng triệu tờ tranh. Năm 1989, sự xuất hiện của cơ chế thị trường, Đội tranh dân gian giải thể, nhiều người dân trong làng chuyển sang làm nghề khác. Riêng ông Sam vẫn say sưa vừa sưu tầm, nghiên cứu, vừa sản xuất, truyền dạy và tích cực giới thiệu nghề làm tranh. Ông đã sáng tác một số tác phẩm mang chủ đề mới như: Tấm áo mẹ vá năm xưa, Tố nữ quan họ, Đến hẹn lại lên

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hiệp hội UNESCO, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh nhiều nhiệm kỳ. Năm 2015, ông được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và trở thành NNƯT đầu tiên của làng tranh dân gian Đông Hồ, đồng thời cũng là NNƯT đầu tiên của 62 làng nghề tỉnh Bắc Ninh.

Tiếp nối truyền thống

NNƯT Nguyễn Hữu Sam mất năm 2016. Sinh thời, ông đặc biệt quan tâm đến việc truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ. Các con, cháu của ông vì thế đều nắm chắc quy trình sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Đặc biệt, ông đã đào tạo, truyền nghề cho con dâu trưởng Nguyễn Thị Oanh và con trai thứ Nguyễn Hữu Quả trở thành những người gắn bó với nghề làm tranh. Hiện nay, cả 2 người là chủ cơ sở sưu tầm và sản xuất tranh tại làng Đông Hồ.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh tích cực truyền dạy nghề truyền thống
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh tích cực truyền dạy nghề truyền thống

Quá trình hướng dẫn việc đục ván, một trong những khâu quan trọng nhất của nghề làm tranh, cho con trai và các cháu nội, NNƯT Nguyễn Hữu Sam thường nhắc nhở, khi đục ván thì dùng ve tay trái, dùng đục tay phải và phải khéo biết chọn lưỡi ve cong hay thẳng phù hợp với nét vẽ trong tranh mẫu; khâu khắc ván phải chú ý chọn gỗ để khắc, khắc ván nét thì phải chọn gỗ thị, khắc ván màu nên chọn gỗ mỡ...

Tất cả con, cháu trong gia đình NNƯT Nguyễn Hữu Sam đều biết in tranh. Ông truyền dạy, khi in phải in màu đỏ trước rồi đến xanh, vàng, trắng và cuối cùng là in ván nét màu đen. Ông để tâm tìm mua những bộ ván của người làng đã thôi làm tranh, phục chế những bộ ván đã hư hỏng, mày mò đục thêm ván mới đối với tranh sưu tầm hoặc mới sáng tác. “Đến nay, gia đình chúng tôi có 500 - 600 ván in tranh các loại, trong đó một số ván có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, anh Nguyễn Hữu Hoa chia sẻ.   

Từ năm 2010, nhận thấy tuổi cao sức yếu, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã giao lại cho con dâu trưởng Nguyễn Thị Oanh toàn quyền điều hành cơ sở sản xuất tranh dân gian của gia đình. Chị Oanh vừa chỉ đạo, tổ chức duy trì các hoạt động sưu tầm và sản xuất, vừa sáng tác một số tranh theo đề tài mới, như tranh chùa Dâu, tranh chùa Bút Tháp, tranh Phật A-di-đà...

Chị Oanh cho biết, chị đã cùng gia đình đã tích cực tham gia nhiều hoạt động của quốc gia và quốc tế như: Tham gia trưng bày sản phẩm tiêu biểu và trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phục vụ các đại biểu dự Hội nghị APEC năm 2006; dự Festival Quảng Nam lần thứ V năm 2013; tham gia Triển lãm quốc tế Các sản phẩm từ giấy của các nước ASEAN năm 2013; trưng bày các sản phẩm tiêu biểu và trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ nhân Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới - IPU 32 tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2015…

Sự nỗ lực của chị Oanh và các con, cháu là sự tiếp nối nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, là thành quả, công sức truyền dạy nghề của NNƯT Nguyễn Hữu Sam. Đây cũng là truyền thống của một gia đình đã nhiều đời làm tranh dân gian Đông Hồ.

Cuối năm 2020 vừa qua, chị Nguyễn Thị Oanh và anh Nguyễn Hữu Quả đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Như vậy, trong cùng một gia đình làm tranh dân gian Đông Hồ có 3 người được vinh dự nhận danh hiệu cao quý này. 

Hồng Hà