Về Bảo Linh nghe chuyện “Người anh cả của quân đội”

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 06:01 - Chia sẻ
Trong những năm tháng ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt gắn bó với mảnh đất Bảo Linh. Đây từng là nơi ở và làm việc của Đại tướng và Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 1949 - 1954. Người dân nơi đây luôn ghi nhớ về Đại tướng - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam với một lòng yêu mến, kính trọng và luôn nỗ lực thi đua lao động sản xuất theo lời căn dặn của Đại tướng.
	Di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên Ảnh: Tường Vy
Di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
Ảnh: Tường Vy

Ký ức về vị tướng gần gũi, nghĩa tình

Những ngày này, Khu Di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp không lúc nào vắng vẻ. Người dân quét dọn con đường bê tông lối đi vào, lau dọn tấm bia và trang trí khuôn viên xung quanh phong quang, sạch đẹp. Các cụ cao niên đến thăm và ôn lại những kỷ niệm về Đại tướng rồi kể cho con cháu cùng nghe về một vị tướng gần gũi, nghĩa tình.

Ở tuổi 96, bà Hà Thị Sâm - cán bộ tiền khởi nghĩa hiện đang sống ở xóm Bảo Biên (xã Bảo Linh, huyện Định Hóa) vẫn nhớ tường tận những ký ức về Đại tướng và gia đình của ông. Bà kể, trong những năm tháng ở ATK Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt gắn bó với mảnh đất Bảo Linh. Tại đây, Đại tướng đã trực tiếp phác thảo, vạch ra kế hoạch để trình Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phê duyệt nhiều chiến dịch lớn như: Biên giới; Trung du; Hoàng Hoa Thám; Hà Nam Ninh; Hòa Bình và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Cũng tại đây, 3 người con của Đại tướng lần lượt ra đời. Thời gian Đại tướng và người vợ của mình là bà Đặng Bích Hà sinh sống ở Bảo Linh đã để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ với bà con. Riêng bà Sâm không thể nào quên được những hình ảnh gần gũi, thân tình của gia đình Đại tướng. “Đại tướng nói tiếng Tày giỏi mà hay hỏi chuyện lắm. Hỏi ăn cơm chưa, ăn với rau gì. Mỗi lần đi công tác về thường buộc ngựa trước cửa nhà tôi rồi hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện rất vui vẻ", bà Sâm hồ hởi kể lại.

Còn ông Ma Hữu Thành (82 tuổi) không thể nào quên những ngày tháng vinh dự được phục vụ Đại tướng và Bộ Tổng tư lệnh. Năm 1949, khi Bộ Tổng tư lệnh chuyển về đóng tại Bảo Linh, ông Thành mới 10 tuổi đã được giao nhiệm vụ làm liên lạc và cảnh giới cho nhiều cuộc họp quan trọng. Địa điểm họp thường ở các nhà dân hoặc trên đồi Đỏn Mỵ. Thời điểm đó, dù khó khăn nhưng người dân ở Bảo Linh hết mực yêu quý, ủng hộ và bảo vệ bộ đội. Từng củ khoai, củ sắn bà con đều mang lên cho bộ đội. Ông Thành xúc động chia sẻ: “Đại tướng rất trân trọng và biết ơn tình cảm của bà con Nhân dân. Còn đối với chúng tôi và các anh bộ đội, Đại tướng luôn quan tâm hỏi han công việc, dặn dò giữ gìn sức khỏe để phụng sự Tổ quốc. Đối với tôi, Đại tướng như một người thân trong gia đình”. 

Thế hệ những người được gặp, tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng như bà Sâm, ông Thành ở xã Bảo Linh hiện nay cũng không còn nhiều. Và không phải ai cũng có cơ hội được về gặp Đại tướng khi hòa bình lập lại. Ông Đồng Quang Sá luôn tự hào vì đã 5 lần được về thăm và gặp trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia. Theo lời ông Sá, năm 1992, Đoàn cán bộ của xã Bảo Linh lần đầu tiên tổ chức xuống thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội. Dù không hẹn trước nhưng khi nghe cảnh vệ báo cáo là đoàn khách từ xã Bảo Linh xuống thăm, Đại tướng mời lên gặp ngay.

Ông Sá kể: “Khi các anh cảnh vệ đưa chúng tôi đi ăn tối về đã thấy Đại tướng đứng đợi ở cổng rồi hỏi chúng tôi ăn có ngon không, có đủ no không. Sau đó, Đại tướng dặn dò cảnh vệ bố trí chỗ nghỉ cho cả đoàn. Thái độ ân cần, gần gũi của một vị Đại tướng khiến anh em chúng tôi rất xúc động”. Đó cũng là lần mà đoàn cán bộ xã Bảo Linh trình bày với Đại tướng về mong muốn xác định, khoanh vùng địa điểm và phục dựng nơi ở và làm việc của Đại tướng và Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 1949 - 1954 để làm cơ sở giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Đại tướng

Nắm được ý nguyện của bà con Nhân dân xã Bảo Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân vẽ sơ đồ phác họa vị trí nơi ở và làm việc của Đại tướng và Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tại xóm Bảo Biên làm cơ sở cho cán bộ và Nhân dân xã Bảo Linh trình lên các cấp để tiến hành quy hoạch, xây dựng thành khu di tích. Đại tướng căn dặn: “Khu di tích đó nên khoanh vùng lại làm vườn cây thanh niên, để sau này giáo dục truyền thống cho các thế hệ”. Đến nay, khu di tích ở xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh đã được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục quan trọng. Phần lớn diện tích đất trong khuôn viên di tích được Nhân dân hiến tặng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình của ông luôn dành tình cảm đặc biệt đối với mảnh đất Bảo Linh và bà con nơi đây. Theo lời kể của các cụ cao niên, từ khi hòa bình lập lại, Đại tướng và gia đình đã có nhiều lần về thăm Bảo Linh. Mỗi lần trở lại, Đại tướng đều trò chuyện rất gần gũi với bà con bằng tiếng Tày. Ngoài thăm hỏi đời sống người dân, Đại tướng luôn dặn dò cấp ủy, chính quyền xã về nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến y tế và giáo dục.

Ông Đồng Quang Sá vẫn còn nhớ như in bức thư tay mà Đại tướng gửi Nhân dân Bảo Linh năm 1992: “Thân gửi các cụ, các bác, các anh, chị, em thanh niên, các cháu thiếu niên nhi đồng xã Bảo Linh. Tôi được đoàn đại biểu xã nhà báo cáo những việc đã làm, tôi rất mừng. Tôi có dặn dò một số việc, các đồng chí sẽ báo cáo lại. Mong rằng xã nhà có kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thật tốt. Phấn đấu làm sao cho nhà nhà đều giàu có, làm kinh tế hộ gia đình thật giỏi… Chúc đồng bào và chiến sĩ các dân tộc đoàn kết, phát triển cao; xây dựng Bảo Linh thành một xã kiểu mẫu về mọi mặt. Khen ngợi đồng bào đã chăm sóc khu di tích lịch sử để giáo dục truyền thống các thế hệ mai sau”. Cuối thư, Đại tướng không quên nhắn gửi: “Chị Hà rất nhớ và gửi lời hỏi thăm bà con”“Nhớ đọc cho đồng bào nhân ngày sinh 19 - 5 của Bác Hồ”.

Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Bảo Linh luôn ghi nhớ và nỗ lực thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến nay, mảnh đất Bảo Linh đã có nhiều thay đổi vượt bậc. Đường giao thông trong xã đã cơ bản được bê tông hóa sạch đẹp. Các công trình trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Mỗi xóm đều có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Đặc biệt, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo lời ông Đồng Quang Sá, mũi nhọn kinh tế của xã Bảo Linh là trồng và bảo vệ rừng. Ngoài ra, bà con canh tác thêm 100ha chè và mở rộng các ngành nghề chăn nuôi, chế biến lâm sản, dệt mành cọ nhằm tăng thu nhập. Đặc biệt, trong xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Phát huy truyền thống cách mạng, bà con trong xã luôn đoàn kết, giữ gìn các giá trị văn hóa. Nhiều năm đã qua đi, mảnh đất cách mạng xưa đã nhiều đổi thay nhưng tấm lòng của người dân Bảo Linh với Đại tướng vẫn vẹn nguyên. Trong khuôn viên khu di tích, địa danh đồi Đỏn Mỵ vẫn được bà con gọi bằng cái tên thân thương là “Đồi Đại tướng”, để luôn ghi nhớ vị tướng tài ba của dân tộc, mà rất mực gần gũi với đồng bào.

Đào Cảnh