Xem - Nghe - Đọc

Vào bếp vì nhau

- Chủ Nhật, 16/01/2022, 06:38 - Chia sẻ
Mỗi tối nhìn Shiro vào bếp chế biến từng món ăn (thông qua màn độc thoại nội tâm rất đặc trưng trong phim Nhật), ta thấy anh biết tận hưởng cuộc sống và tận hưởng món ngon của ẩm thực như thế nào...

Hồi lockdown vì dịch, giữa những series ồn ào náo nhiệt của Hàn Quốc mà tôi thường bỏ cuộc sau tập đầu tiên, tôi lại bị hút vào vài series dạng “slice of life” của Nhật Bản, trong đó có "What Did You Eat Yesterday". Mỗi series có 12 tập, mỗi tập khoảng 25 - 28 phút. Nó đích thị là một dạng phim “slice of life” mà tôi luôn thích. Dòng phim này, hiểu nôm na là những chuyện cuộc sống thường ngày mà tất cả chúng ta đều trải qua. Trong series nói trên, cái nhịp thường ngày đó có thể diễn ra trong một ngày, hoặc một tháng, thậm chí một mùa và được gói gọn trong một tập phim ngắn gọn chưa đầy nửa tiếng. Mà xem tập nào xong cũng thấy nó chạm khẽ vào mình, khiến mình muốn nở một nụ cười bình yên giữa những ngày tháng tăm tối đó. 

Vài tháng sau tôi xem bộ phim yêu thích nhất của mình năm nay: "Drive My Car" mà thoạt tiên không thể nhận ra anh chàng diễn viên Hidetoshi Nishijima là người đóng chính trong cả hai bộ phim/series này. 

Trong cả hai phim, anh đều đóng vai một anh trí thức trung niên với vẻ ngoài điềm tĩnh và có phần tự tại. Một hình mẫu trí thức trung niên rất điển hình trong thế giới văn chương của Murakami, đặc biệt trong tập "Những người đàn ông không có đàn bà". Trong "Drive My Car", anh là ông chú trung niên góa vợ và giấu chặt nỗi đau vào đáy lòng mình. Trong "What Did You Eat Yesterday", anh là ông chú trung niên "gay kín" và sống cùng một anh thợ làm tóc trong một căn hộ hai phòng ngủ giữa Tokyo.

"What Did You Eat Yesterday" vốn là một bộ manga rất thành công ở Nhật, in dài kỳ trên báo rồi chuyển thành sách mà vẫn bán tới được 5 triệu bản. Bản live-action chuyển thể từ bộ manga này ra mắt trên một đài truyền hình Nhật vào năm 2019 và cũng thành công vang dội. Netflix mua lại bản quyền để phát hành. Mùa 2 được lên kế hoạch sản xuất và phát hành cuối năm 2021. Trên Netflix mới chỉ phát thêm được 3 tập nữa. 

Như đã nói ở trên, đây là một dạng phim slice of life mô tả cái nhịp sống thường ngày của một cặp đôi đồng tính trung niên trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Và sở dĩ nó thành công và phần nào đó “phá chuẩn” về dòng phim đồng tính là tránh xa những bi kịch hay những ẩn ức tình dục mà dòng phim này hay đề cập đến, nó cũng tránh xa những hời hợt kiểu ngôn tình đam mỹ của các bộ phim/series dành cho gay mới lớn. Nó hoàn toàn tập trung mô tả vào cuộc sống thường ngày của một cặp đôi đồng tính lớn tuổi trong một xã hội mà chủ đề này chưa hẳn là cởi mở. Vài tập trong series xử lý chủ đề này ở môi trường công sở hay gia đình rất thú vị và hài hước.

Nhưng với tôi, quan trọng hơn, xem series này hoàn toàn không còn cảm giác xem một bộ phim về gay nữa. Nó đơn thuần là series về một cặp đôi trong cuộc sống hàng ngày về họ. Hay cũng có thể coi nó là một show về ẩm thực của đời sống gia đình Nhật Bản mà coi xong tập nào cũng vừa thòm thèm vừa muốn hí hoáy ghi lại công thức.

Trong series này, Nishijima đóng vai Shiro, một anh luật sư làm việc cho một công ty nhỏ, vẻ ngoài lịch thiệp, nghiêm cẩn và có phần kín đáo. Anh sống cùng Kenji (Seiyo Uchino đóng), một thợ làm tóc vui tính và đôi lúc xởi lởi quá mức. Cuộc sống chung của họ có vẻ rất nhẹ nhàng và yên bình, ai làm việc nấy, tối về cùng nấu nướng và ăn cùng nhau. 

Nhân vật Shiro cũng được xây dựng khá đặc biệt, khác với hình dung của số đông về hình mẫu nam giới trong xã hội hiện đại Nhật Bản. Anh chọn một công việc vừa phải, hợp với sức mình và không có nhu cầu phải thành công quá mức. Anh kiếm đủ sống, chọn một cuộc sống áp lực vừa đủ và quan trọng là có thời gian tận hưởng những bữa ăn ngon trong thế giới riêng tư của mình. Hằng ngày sau sở làm về, anh ghé vào một siêu thị gần nhà và mua hàng giảm giá trong ngày về nấu ăn. Mục tiêu của anh là hàng tháng không tiêu quá 25.000 yên. Anh chặt chẽ chi li về chi tiêu nhưng dĩ nhiên không thuộc loại bà cô “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Bởi mỗi tối nhìn anh vào bếp chế biến từng món ăn (thông qua màn độc thoại nội tâm rất đặc trưng trong phim Nhật), ta thấy anh biết tận hưởng cuộc sống và tận hưởng món ngon của ẩm thực như thế nào. 

Và muốn biết anh nấu ngon như thế nào thì hãy nhìn cách mà anh chàng bạn đời của anh - Kenji lúc nếm thử món ăn và biểu lộ nó qua cảm xúc có phần hơi lố của anh. Có lần anh tự nhủ, “có một người bạn đời thông tuệ như Shiro, mình cần phải giữ bình tĩnh mới được”. Nhưng nói chung là anh không giữ được bình tĩnh quá… 3 giây khi được thưởng thức một món ăn ngon. Anh thợ làm tóc Kenji này là một trong hiếm nhân vật có cách biểu đạt cảm xúc thái quá mà tôi thấy… hợp lý và đáng yêu như vậy. Coi cái tập anh đi rình đánh ghen thì quả là chết cười. Một người sống đơn giản mà nồng nhiệt như vậy, dĩ nhiên không thể nào là một kẻ hời hợt được. 

Như trong tập gần đây nhất của mùa 2, khi một anh chàng gay trẻ tuổi bảo với anh Kenji rằng, “tại sao anh lại cho đi tình cảm một cách hào phóng như vậy, anh không sợ người ta thấy anh dễ dãi sao?”; anh đáp lại rằng, “không phải là tôi cho đi một cách hào phóng đâu, chỉ là tôi… không kìm lại được”. Thằng nhóc kia bảo, “cái gì càng dễ thì người ta càng ít tôn trọng”. Và anh trả lời một câu thế này: “Tôi thích sự hiện diện thường trực hơn là sự phấn khích nhất thời”.

Cái ý của anh ở câu này tôi ngẫm thấy chắc cặp đôi nào sống được với nhau hẳn là đều thấu tỏ nhưng rất khó để thực hiện. Sự phấn khích của mối quan hệ nào cũng chỉ là nhất thời thôi, sự hiện diện thường trực của người bạn đời trong cuộc sống của họ mới quan trọng hơn cả. 

Như bà mẹ của Shiro lo lắng đến bất an và hoảng sợ khi bố anh nhập viện để phẫu thuật. Bà lo sợ ông không còn hiện diện bên cạnh bà, lo sợ cái ghế đọc báo và uống trà của ông mỗi sáng không còn hình bóng của ông. Và bà hỏi anh một câu hỏi tu từ thế này, “người ở cùng mình mỗi ngày, có phải rất đặc biệt không?”.

Và nói như anh chàng Kenji khi đáp lại thằng nhóc kia, cuối cùng tình cảm có phấn khích đến đâu cũng đến hồi nhàm chán hết thôi, mấy ông chú như anh ta tồn tại được là vì thích những mối quan hệ kiểu cổ điển và cảm giác an toàn. 

Xong rồi anh ta lại về nhà, chân lại xoắn quẩy và thiếu điều nhảy chân sáo, nếm thử món ăn của Shiro rồi buông một câu thật sến thế này: “Được ăn cùng em mỗi ngày làm anh thấy tràn trề hạnh phúc”.

Bảo sao xem xong cái show này lại muốn vào bếp và nở một nụ cười!

Lê Quân