Nhân vật như con mình

- Thứ Tư, 20/11/2013, 08:27 - Chia sẻ
Một khoảng lặng trong giới hoạt hình Nhật Bản khi Takashi Yanase, cha đẻ của Anpanman – một trong những nhân vật truyện tranh nổi tiếng nhất của xứ sở mặt trời, đã qua đời vì bệnh tim, hưởng thọ 94 tuổi…

Một bức trong bộ truyện tranh về Anpanman
Đối với huyền thoại manga Takashi Yanase, khó có gì sánh được với cảm giác mang đến niềm vui và niềm khích lệ cho trẻ em qua những câu chuyện ngộ nghĩnh về anh hùng Anpanman. Mặc dù đã nghỉ hưu trước trận động đất và sóng thần hồi tháng 3.2011, ông vẫn trở lại công việc sau khi biết được rằng ca khúc chủ đề của phim Anpanman được phát sóng ở những vùng bị ảnh hưởng của thảm họa và đặc biệt động viên tinh thần trẻ em nơi đây rất mạnh. Một ngày trước khi từ giã cõi đời (13.10), ông vẫn đang thảo luận ý tưởng với đồng nghiệp về một bộ phim Anpanman dự kiến trình chiếu vào năm tới.

Họa sĩ giữa nhân vật của mình
Tuy nhiên, nguồn cảm hứng thực sự đằng sau những câu chuyện về Anpanman, chàng trai có gương mặt bánh mỳ với mũi và gò má bằng đậu đỏ chính là những trải nghiệm thương đau của cá nhân ông. Trong sáng, đầy năng lượng và đầy ắp tò mò – về những điểm này, Yanase không khác gì hàng triệu độc giả nhỏ tuổi. Nhưng có một điểm quan trọng không thể tìm được sự tương đồng giữa ông và các bạn nhỏ, đó là nỗi đau của ông trong cuộc Chiến tranh Thế giới II. Yanase bị gọi nhập ngũ và lên đường sang Trung Quốc. Ở đây, hàng ngày, ông hầu như chẳng có gì ăn ngoài bát cháo loãng. Em trai của ông đã tình nguyện trở thành phi công cảm tử (kamikaze) và chết trong cuộc chiến.

 “Chính ông Yanase là Anpanman. Ông lúc nào cũng hòa nhã với chúng tôi, luôn nói chúng tôi hãy chia sẻ những điều tốt đẹp với nhau. Tôi chỉ muốn nói với ông là Cảm ơn ông” (nữ diễn viên Keiko Toda, người lồng tiếng Anpanman trong phim Chúng ta đi thôi! Anpanma).

Mối nghi ngờ về “sự công bằng” bị áp đặt bằng vũ lực dưới thời chính phủ quân sự đã khiến ông có cảm giác rằng công lý đơn giản nhất là “đảm bảo một cuộc sống thường nhật ổn định không bị lâm vào cảnh đói nghèo”. Điều này đã thôi thúc ông sáng tạo ra Anpanman, một người hùng can cảm và đầy yêu thương trong thời bình, người “sẵn sàng bóc khuôn mặt của mình và đưa cho trẻ em đang chết đói”.

Từ đầu những năm 1970, nhân vật Anpanman có cử chỉ hào hiệp là chia sẻ đồ ăn trên gương mặt mình để cứu đói đã được giới thiệu với độc giả Nhật Bản, khi Yanase cũng không còn trẻ nữa (hơn năm mươi tuổi). Ban đầu, người lớn không nhiệt tình chào đón câu chuyện song các em nhỏ ở trường mẫu giáo thì lại say mê ngay từ tập đầu tiên. Bộ truyện tranh đã được chuyển thể sang phim hoạt hình vào năm 1988 và trình chiếu ở khắp châu Á, đặc biệt nổi tiếng ở Hồng Kông và Đài Loan. Các bảo tàng Anpanman đã được xây dựng ở Kami, tỉnh Kochi - nơi sinh của Yanase và ở Yokohama, Sendai, Kobe và Kuwana, tỉnh Mie.

Tính đến nay, 68 triệu bản Anpanman đã được tiêu thụ và Yanase đã xây dựng hơn 2.000 nhân vật khác nhau. Trong năm 2009, 1.768 nhân vật xuất hiện trong phim Chúng ta đi thôi! Anpanman (Soreike! Anpanman), trong đó có Baikinman, Dokinchan và Shokupanman, đã được ghi nhận trong kỷ lục thế giới Guinness về số lượng nhân vật hùng hậu nhất trong một tập phim hoạt hình. Yanase luôn gọi nhân vật là các con mình. Ở mặt này, có lẽ ông cũng ghi một “kỷ lục” khác là ông bố có nhiều con nhất trên thế giới.

Dĩ nhiên, manga không phải là điểm khởi đầu của sự nghiệp hay sở trường duy nhất của Yanase. Sau khi tốt nghiệp Trường trung học Bách khoa kỹ thuật Tokyo, ông là nhà thiết kế đồ họa, vẽ tranh biếm họa và người thuyết trình trong một chương trình đố vui trên kênh truyền hình NHK của Nhật Bản. Ông cũng là người viết lời cho ca khúc thiếu nhi Tenohira wo Taiyou ni năm 1961 và phát hành sách ảnh Yasashii Lion năm 1969. Năm 1991, ông đã được trao tặng Huân chương Báu vật Thiêng liêng của Nhật Bản.

 “Đây là tháng Mười như thường lệ. Tôi khỏe mà, vì thế làm ơn hãy cảm thấy thoải mái”, ông kết thúc bài thơ chào mừng hàng tháng đăng trên trang trang mạng của mình như thế.

Hoàng Hạnh