Tản mạn

Chợ chùa

- Thứ Năm, 28/02/2019, 08:24 - Chia sẻ
Chuyện bán thịt thú rừng ở cổng chùa, để đổ lỗi cho ban quản lý khu di tích, thắng cảnh không khó. Song đổ lỗi rồi cũng chẳng để làm chi khi cái lòng sân si chẳng ở riêng ngoài chợ.

Chợ và chùa là hai thiết chế văn hóa đối nghịch. Một nơi là chao chác bán mua, một bên là lòng thanh tâm tịnh. Chợ là nơi người ta mưu cầu lợi ích, chùa là nơi bỏ xả sân si. Nhưng, trong đời sống người Việt, không phải đến bây giờ thì chợ và chùa mới gắn bó mật thiết với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà đi khắp vùng đồng bằng Bắc bộ, những địa danh mang tên chợ chùa có ở mọi địa phương. 

Chợ và chùa vốn dĩ đã gắn bó với nhau như âm với dương, như đời với đạo.

Vậy thì điều gì khiến cho sự gắn bó lâu đời giữa chợ với chùa trở nên phản cảm như câu chuyện chùa Hương mùa lễ hội? Có lẽ, nếu chỉ nói đến chùa Hương thì sẽ oan cho thắng cảnh này, bởi ở bất cứ thắng cảnh nổi tiếng nào khác, ở núi thiêng Yên Tử, ở Phủ Dày, Cửa Ông..., đền chùa nào thì sự bán mua, ăn uống cũng tưng bừng mùa hội. Chợ với chùa vẫn gắn bó như thế. Nhưng không còn hài hòa giao thoa mà chất chợ đã lấn cả chất chùa.

Chợ lấn chùa do lỗi của cơ quan quản lý di tích? Xét về lý, điều này dường như đúng. Song, ban quản lý di tích được thành lập, một phần từ mong muốn chủ quan của cộng đồng. Mà một trong những mong muốn lớn nhất của cộng đồng lại là mưu lợi.

Chợ lấn chùa không phải chuyện của sư, và cũng không hoàn toàn nằm trong vùng kiểm soát của các ban quản lý. Chợ chỉ là cái chợ, là nơi giao tiếp của người bán và người mua. Và, trong mối giao tiếp ấy thì người bán bị chi phối bởi người mua, họ không thể bán thứ mà không có ai muốn mua. Bởi thế, chuyện chợ lấn chùa là câu chuyện của thời đại, chuyện của đa số người hành hương đến chùa với quá nhiều thèm khát.

Chợ chùa, chùa chợ từ một mối tương giao mềm mại trong truyền thống sinh hoạt văn hóa của người xưa đã trở nên phản cảm từ khi nào? Hẳn nó phải bắt đầu khi mà người ta đến chùa không phải để tìm sự thanh thản trong tâm hồn mà thay bằng để cầu khấn nhiều hơn những tham vọng vật chất. 

Khi người ta thực sự mong muốn điều gì, thế giới sẽ thay đổi theo chiều hướng phù hợp mong muốn ấy. Đó là luật hấp dẫn của vũ trụ! Bởi vậy, chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến thịt cầy được bán trước cổng chùa vào mỗi mùa hội sau. Đó là điều chẳng thể thay đổi khi mong muốn của chúng ta chưa thể thay đổi!

Phạm Trung Tuyến