Vẫn khó trả lời...

- Thứ Ba, 07/12/2021, 17:47 - Chia sẻ
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết số 04 ngày 4.7.2017 của HĐND thành phố về việc thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030.

Theo đó, đến nay thành phố đã giải quyết 63 điểm ùn tắc giao thông. Năm 2021 còn 31 điểm, trong đó đã xử lý 6 điểm, phát sinh 7 điểm. Các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Năng lực cung ứng của xe buýt hiện nay chỉ đạt 31%. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người...

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm với 2 nội dung. Đó là Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường" và Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".

Đầu tháng 3.2019, tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện nêu quan điểm "cấm xe máy càng sớm càng tốt" và cho biết đang phối hợp cùng Viện chiến lược phát triển giao thông nghiên cứu xây dựng đề án, trong đó có tính tới việc dừng đăng ký mới xe máy.

Với Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030", Sở Giao thông - Vận tải đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm TP. Sau năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Thực tế, không phải đến bây giờ, người dân mới được "tiếp cận" với các chủ trương, giải pháp, đề án liên quan đến dừng hoặc hạn chế hoạt động xe máy. Nhưng từ chủ trương, đề xuất... đến thực hiện vẫn là khoảng cách rất lớn, thậm chí là không khả thi. Theo số liệu thống kê, đến năm 2020, TP Hà Nội có khoảng 5,7 triệu xe máy, gần 700.000 ôtô các loại và 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông. Về tốc độ gia tăng phương tiện, theo số liệu từ năm 2019, mỗi tháng, thành phố cấp đăng ký mới cho khoảng 27.000 phương tiện. Với mức độ gia tăng như vậy, chuyện tắc đường, ô nhiễm là khó tránh khỏi, thậm chí đến đến năm 2025 sẽ không đủ đường cho các phương tiện lưu thông.

Thực tế là vậy, và việc cần thiết phải có chính sách để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, đến nay, không chỉ Hà Nội mà một số địa phương khác vẫn đang loay bởi câu hỏi đơn giản là nếu cấm thì người dân sẽ đi lại bằng gì? Về lý thuyết là sẽ phát triển các phương tiện công cộng. Nhưng đến bao giờ mới phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì vẫn khó trả lời. Và như vậy, hiệu quả của các đề án này chắc chắn cũng khó khả thi.

Ninh Khương