Văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài vấn đề quan trọng của đất nước

- Thứ Tư, 15/12/2021, 14:18 - Chia sẻ
Đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn không nhỏ. Trong lúc này văn học, nghệ thuật hiện diện như thế nào, đứng ở đâu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay? Những vấn đề nào trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với văn học, nghệ thuật?... Đây là những nội dung được tập trung bàn luận trong hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 15.12, tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; đại biểu các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương và những nhà khoa học thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật...

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: Trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng quyền tự do sáng tạo và cá tính sáng tạo của nghệ sĩ; chăm sóc, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật; đồng thời, Đảng cũng yêu cầu văn nghệ sĩ có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước. Thực hiện quan điểm và yêu cầu đó, các cơ quan văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta đã cố gắng bắt nhịp với cuộc sống sôi động, phong phú của sự nghiệp đổi mới, phản ánh được khát vọng chân, thiện, mỹ của nhân dân; xu thế đi lên của đất nước và thời đại. 
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi to lớn và cả những thách thức, khó khăn không nhỏ từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, của cơ chế kinh tế thị trường. Tất nhiên, nếu chúng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, biết chọn hướng đi, cách làm, chắc chắn chúng ta sẽ khai thác và tận dụng tối đa mặt thuận lợi và các cơ hội to lớn; hạn chế khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh ấy, văn học, nghệ thuật, với thế mạnh đặc thù riêng có, với tư cách là một lĩnh vực "rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa" đã làm gì và đã hiện diện như thế nào? Làm thế nào để văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân?... Đó chính là cơ sở để Ban tổ chức Hội thảo lựa chọn chủ đề: "Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay".

Hội thảo xoay quanh 5 nội dung: Văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế; Văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; Văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; Văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; Văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cho rằng: Với một hội thảo khoa học thông thường thì việc xác định nội dung như vậy là hơi rộng, khó hướng đến các mục tiêu tập trung, thống nhất. Nhưng khó có thể khác được khi đất nước nói riêng, nhân loại nói chung đang đứng trước quá nhiều vấn đề hệ trọng cần phải đối mặt, đương đầu, quan tâm giải quyết. Nổi lên hàng đầu trong số đó là vấn đề đối phó với đại dịch Covid-19 được xem như một thảm họa đối với nhân loại, một kẻ thù cần phải chiến đấu để loại bỏ khỏi cuộc sống trên trái đất...

“Trong hoàn cảnh đó, với tư cách là những trí thức, văn nghệ sĩ, những cán bộ khoa học, chúng ta không thể làm ngơ, không thể đứng ngoài cuộc để bàn về những chuyện học thuật thuần túy, cần thì cần thật nhưng sẽ khó tránh khỏi tình trạng vừa thờ ơ, vô cảm, lạc lõng, lạc điệu; vừa không ăn nhập gì với đời sống xã hội và an ninh của đất nước, con người đang trong lúc 'nước sôi lửa bỏng'” - PGS. TS. Phan Trọng Thưởng nói.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu tại hội thảo

Hoan nghênh Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn chủ đề rất cấp thiết và hấp dẫn này để tổ chức hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh: “Yêu cầu đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật, tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước những vấn đề lớn lao, quan trọng của đất nước, con người Việt Nam hôm nay đã và đang được đặt ra cấp thiết và rốt ráo hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật, để đi đến thống nhất nhận thức và hành động đúng đắn, hiệu quả”.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ cùng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý có dịp cùng nhau bàn thảo, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng, nhận định xu hướng vận động, phát triển và đề xuất những giải pháp để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật nước nhà, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ng. Phương