Vở tuồng "Nữ tướng Lê Chân": Bài học về tinh thần trung quân ái quốc

- Chủ Nhật, 27/11/2022, 12:28 - Chia sẻ

Vở tuồng lịch sử "Nữ tướng Lê Chân" của Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa công diễn cuối tuần qua, thể hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của ông cha ta.

Lát cắt huy hoàng trong lịch sử dân tộc

Vở tuồng
Cảnh Thái thú Tô Định đàn áp, hòng đồng hóa người Việt

Vở diễn do tác giả Lê Công Phượng, đạo diễn - NSƯT Lê Tuấn Cường cùng ê kíp nghệ thuật thực hiện, lôi cuốn ngay từ cảnh diễn đầu tiên với sự xuất hiện của nữ tướng Lê Chân (NSƯT Lộc Huyền) và vị tướng trẻ Hào Nam (nghệ sĩ Tuấn Hiệp).

Khán giả có mặt tại Rạp Hồng Hà trong đêm công diễn 25.11 cũng ấn tượng và hồi hộp với những phân cảnh Thái thú Tô Định trong lần kinh lý, bị cuốn hút bởi tài năng và sắc đẹp của Lê Chân. Với bản tính hám sắc, Tô Định bị người con gái làng Vẻn (làng An Biên) xứ Đông Triều ấy mê hoặc, hắn vừa muốn bắt ép nàng làm tỳ thiếp, vừa mưu đồ đồng hóa người Việt. Tuy nhiên, âm mưu của Tô Định đã không được chấp thuận, hắn đem quân giao chiến, giết cả cha mẹ Lê Chân. Nén đau thương, Lê Chân tìm thầy học binh thư, võ nghệ, dời quê đến miền đất mới, khai khẩn đất hoang, tích trữ lương thảo, vũ khí, ngày đêm luyện quân chờ ngày đền nợ nước, trả thù nhà… 

Vở tuồng
Hình ảnh người con gái tài sắc vẹn toàn Lê Chân tượng trưng cho tinh thần không chịu khuất phục của người Việt

Tác giả Lê Công Phượng cho biết, khoảng thời gian trong vở diễn chỉ là một lát cắt lịch sử ước chừng 4 - 5 năm (từ năm 36 đến năm 41 sau Công nguyên), lúc Lê Chân khoảng 16 - 21 tuổi, khi bà chuẩn bị về hội quân, cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, nhằm lột tả chủ đề tư tưởng vở tuồng là tinh thần yêu nước bất diệt của dòng giống Lạc Hồng, chí căm thù giặc và khí thế chống giặc bất khuất; khẳng định vị trí vai trò của lịch sử dân tộc, vị trí của phong hóa, căn cốt để phát triển dân tộc.

Bà Hoàng Mai Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đã xem nhiều vở diễn, hoạt cảnh và tích tuồng, song đây là một trong những vở bà thấy tâm đắc. “Tôi thích nội dung vở tuồng, từ lời thoại đến kịch bản tôn trọng yếu tố truyền thống là luôn khẳng định, ca ngợi sự tất thắng của chính nghĩa, của cái thiện. Mỗi nhân vật đều là tấm gương về đạo lý, đặc biệt là đạo trung quân ái quốc. Trong đó, vai nữ tướng Lê Chân thể hiện được thần thái của nhân vật là một phụ nữ thông minh, xinh đẹp, có vai trò trong hành trình xây dựng, mở mang bờ cõi, lại yêu nước, thương dân. Bên cạnh đó, nhân vật ông Lê Đạo, cha của nữ tướng, cũng rất nhập vai…”.

Nhấn mạnh thủ pháp nghệ thuật tuồng

Chia sẻ về quá trình thực hiện vở diễn, tác giả Lê Công Phượng tâm sự, nhân vật trong tuồng phải thể hiện được sự bạo liệt, vì thế yếu tố kịch rất dữ dội. “Khi xây dựng câu chuyện tuồng này, xoay quanh 16 nhân vật, tôi muốn làm bật tính dữ dội ấy bằng hai tuyến nhân vật đối lập với một bên là Tô Định, Đinh Gian, Lê Lật; một bên là 2 cha con Lê Chân, Lê Đạo và Hào Nam; bên thiện và bên ác, bên thiện, điển hình là Lê Đạo tượng trưng cho khí chất của một sĩ phu, đại diện tầng lớp trí thức của dân tộc, mong muốn giữ phong hóa (phong tục, tập quán, bản tính… của người Việt); và tuyến nhân vật ác cùng phe Tô Định muốn đồng hóa, tiêu diệt vẻ đẹp của dân tộc hòng dễ bề nô dịch. Hai bên có sự đối chọi quyết liệt, có mục đích riêng, cuối cùng hướng tới cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, với bên thiện là phe thắng thế”.

Vở tuồng
NSƯT Lộc Huyền trong vai nữ tướng Lê Chân và nghệ sĩ Tuấn Hiệp vai Hào Nam

Theo đạo diễn Lê Tuấn Cường, tính từ ngày khởi công vào tháng 7, anh và tác giả Lê Công Phượng đã nhiều lần trao đổi về bố cục vở diễn sao cho chặt chẽ. “Quá trình sáng tạo, chúng tôi lắng nghe ý kiến của các NSND Văn Thủy, Ánh Dương, Ngọc Quý… Cố gắng khai thác triệt để những đặc trưng cơ bản, tính mỹ học của tuồng khi là tính bi hùng, lúc lắng xuống để làm toát lên tinh thần của vở, thần thái của nhân vật chính - nữ tướng Lê Chân”.

Là một đạo diễn với sở trường là các tác phẩm chèo, đây là lần lần tiên Lê Tuấn Cường sáng tạo với tuồng. Anh cho biết, nếu chèo là một bài thơ về nhân tình, thì tuồng là thế thái, là quân quốc, là tính bi hùng… Anh luôn bám vào đặc trưng của tuồng để phát triển, tư duy, thêm vào đó hơi thở thời đại, cùng với âm thanh, ánh sáng, trang trí sân khấu… phụ trợ cho vở diễn.

Vở tuồng
Vở diễn với 2 tuyến nhân vật đối lập

Còn với Lê Công Phượng, đây là một trong các tác phẩm tuồng lịch sử được thực hiện gần đây của anh, cùng với “Phía sau quyền lực” (2019), “Giữ nước” (2020), “Phượng Hoàng trung đô” (2021), “Anh hùng xuất thiếu niên" và “Ngàn năm vang vọng” (2022). “Tôi hy vọng, bằng những thủ pháp tinh tế của nghệ thuật tuồng - một loại hình sân khấu bác học của dân tộc, khán giả của ngày hôm nay sẽ có được những giây phút trở về với thế giới của người xưa, để thổn thức cùng với những con tim và lý trí của các bậc tiên hiền thương dân, giữ nước. Qua đó, khán giả sẽ thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc”, Lê Công Phượng nói.

Bài và ảnh: Hương Sen