Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc

- Thứ Hai, 28/11/2022, 15:45 - Chia sẻ

Khi bài hát tân nhạc đầu tiên ra đời, cũng là lúc những bản hành khúc khơi dậy lòng ái quốc của người Việt xuất hiện.

Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc  -0
Những bài hát ái quốc ra đời trong giai đoạn lịch sử đầy ắp các sự kiện lớn

Tái tạo một sinh quyển lịch sử

Trong bối cảnh Đông Dương thuộc Pháp năm 1940, những sinh viên và thanh niên chưa đến hai mươi tuổi đã viết những bài hát kể về chiến công xa xưa của các anh hùng dân tộc, kêu gọi tập hợp lực lượng kiến tạo một đất nước tương lai.

Những bài hát tân nhạc là một phương tiện gọn nhẹ, dễ truyền bá, kết hợp giữa lời ca mang tính văn học với giai điệu kiểu phương Tây quyến rũ thanh niên, trở thành sản phẩm báo hiệu vị thế đi đầu trong cuộc tập hợp lực lượng.

Lưu Hữu Phước, Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến đã tạo ra một bầu khí quyển âm nhạc sôi sục bằng những bài hát “thanh niên - lịch sử”, thúc giục lớp người Việt Nam mới giành lấy chính quyền trong cao trào giải phóng dân tộc năm 1945.

Một Hà Nội “tinh hoa” là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo của một tổ chức đã vượt ra khỏi khuôn khổ một hội đoàn trí thức - Ban âm nhạc Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương - với hạt nhân trung tâm là Lưu Hữu Phước cùng nhóm Hoàng Mai Lưu.

Một Hà Nội lầm than là nơi những lời ca gai góc bi tráng của Văn Cao khởi lên cho một đoàn quân Việt Nam đi trong tưởng tượng, để rồi trở thành dự báo cho cuộc đấu tranh vũ trang chi phối lịch sử mà số phận đất nước đã nếm trải.

Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc  -0
Chương trình giao lưu, ra mắt sách diễn ra vào 14 giờ ngày 4.12 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, Trường Đại học Tổng hợp, số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội

Tiếp mạch du khảo văn hóa - đô thị

NXB Trẻ sẽ tổ chức giao lưu, ra mắt sách Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc vào 14 giờ ngày 4.12 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, Trường Đại học Tổng hợp, số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của nhà văn Nguyễn Trương Quý và các khách mời: Nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Thạch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); nhà nghiên cứu văn học và điện ảnh Mai Anh Tuấn (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội); nhà báo Kiều Trinh (Báo Thanh niên).

Nối tiếp cuốn Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (NXB Trẻ, 2018) về câu chuyện giải trí đô thị Hà Nội trước và sau 1954 thông qua cuộc đời sáng tạo của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nghiên cứu mới này của nhà văn Trương Quý tiếp cận những nhân vật có hành trình khác trong dòng chảy tạo dựng một không gian văn hóa đại chúng ở quy mô phức tạp hơn, qua đó khảo cứu sự truyền bá những tư tưởng ái quốc thông qua các sản phẩm văn hóa truyền thông đại chúng, trong công cuộc tạo dựng hình ảnh Việt Nam hiện đại vào thập niên 1940. Có thể coi chúng là hai mảnh ghép trong chân dung mang tính vi lịch sử của không gian đô thị có hạt nhân là Hà Nội giai đoạn chuyển từ mạt kỳ thuộc địa sang chính thể độc lập.

Trong cuốn du khảo Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, người đọc sẽ được gặp lại nhiều nhân vật quan trọng trong đời sống văn nghệ và chính trị Việt Nam những năm 40 của thế kỷ trước: Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Văn Khê, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Thế Lữ…

Tư liệu, sử kiện dày dặn, được tác giả xử lý khai thác ở nhiều góc độ hứa hẹn sẽ mang tới những góc nhìn mới và khơi gợi những suy tư mới về buổi đầu của tân nhạc Việt Nam gắn với sự khởi sinh của chủ nghĩa dân tộc đầu thế kỷ XX.

Hà Linh Ngọc
#