San sẻ gánh nặng với Nhà nước

- Thứ Hai, 31/10/2022, 06:29 - Chia sẻ

Xuất phát từ nhu cầu tự thân, cùng truyền thống đồng hành với dân tộc, triết lý gắn bó đạo - đời, những năm qua các tôn giáo đã tích cực phát huy nguồn lực của mình để thực hiện công tác xã hội. Qua đó, chung tay cùng Nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác an sinh xã hội.

“Vì lợi ích của số đông”

Nhằm chia sẻ khó khăn đối với đồng bào đang cần sự giúp đỡ, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật và đạo lý tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, những năm qua, từ thiện xã hội được coi là công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bằng chứng là hàng loạt hoạt động kêu gọi, vận động, ủng hộ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi… hay xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Riêng giai đoạn 2017 - 2022, Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội, các Phân ban Trung ương và Ban Từ thiện Xã hội các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội với tổng giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Tùng cho biết, Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội luôn hoạt động trên cơ sở phụng hành giới luật Phật chế, hoằng dương giáo pháp trên tinh thần từ bi, trí tuệ, "vì lợi ích của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời". Từ đó, chương trình hoạt động từ thiện được thiết lập một cách có hệ thống, mang giá trị yêu thương đến những người bất hạnh. Trong đó, tập trung vào cách thực hiện và biện pháp vận động, kêu gọi kết nối những tấm lòng từ tâm của đồng bào trong nước cũng như ngoài nước, để chung lo công tác từ thiện ngày càng chặt chẽ, có kế hoạch và xuyên suốt.

Nhiều tổ chức tôn giáo khác cũng chủ động thành lập bộ phận chuyên trách, cùng Nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác an sinh xã hội chăm lo, hỗ trợ các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Như Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, theo Phó Hội trưởng I, Mục sư Nguyễn Hữu Mạc cho biết, Hội thánh hoạt động theo đường hướng “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”. Hội thánh có Ủy ban Y tế - Xã hội phụ trách các dự án thiện nguyện gắn với công tác giáo dục, khám chữa bệnh, quyên góp cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng… Thời gian qua, Hội thánh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư," "Ngày vì người nghèo", gần đây là đóng góp cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19…

Ban Y tế xã hội Tin Lành Quảng Nam trao quà từ thiện cho những người dân khó khăn vì đại dịch Covid-19. Nguồn: Baochinhphu.vn
Ban Y tế xã hội Tin Lành Quảng Nam trao quà từ thiện cho những người dân khó khăn vì đại dịch Covid-19
Nguồn: Baochinhphu.vn

Tích cực tham gia công tác xã hội

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả nước có 283 cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của tôn giáo, với tổng số 13.027 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền của tôn giáo khoảng hơn 14,2 triệu lượt người... Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ, ủng hộ trong lĩnh vực y tế 5 năm qua xấp xỉ 6.981 tỷ đồng.

Với mạng lưới hoạt động ở khắp cả nước, nhiều tôn giáo tham gia công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề, thành lập cơ sở trợ giúp xã hội, cung cấp nhiều nhóm dịch vụ khác nhau như chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, các tôn giáo đã tích cực tham gia phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với đặc điểm riêng của tôn giáo như phong trào xây dựng "Chùa cảnh tinh tiến" trong Phật giáo, "Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu" trong Công giáo; "Nồi cháo tình thương" giúp đỡ bệnh nhân nghèo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo...

Điển hình trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đã có hơn 3.000 tình nguyện viên từ các tổ chức tôn giáo tham gia chống dịch, ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ; ủng hộ hàng trăm xe cứu thương, trang thiết bị, vật tư y tế cho vùng dịch; hỗ trợ hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cùng hàng triệu suất ăn miễn phí; sử dụng cơ sở của tổ chức tôn giáo làm bệnh viện dã chiến, nơi cách ly y tế tập trung; tổ chức thu mua nông sản cho bà con nông dân tại các vùng dịch; góp phần chăm lo đời sống tâm linh cho những người đang sống và những người không may quá cố…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhận định: “việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội, phòng, chống đại dịch Covid-19... với sự giám sát, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của Mặt trận theo quy định của pháp luật chính là góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, gánh nặng từ ngân sách... Bên cạnh đó, việc tôn giáo tham gia xã hội hóa, cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ giữa các tổ chức cung ứng khác nhau, thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong hoạt động an sinh xã hội và người dân sẽ có lợi trong việc lựa chọn chất lượng các chủ thể tham gia cung ứng các loại dịch vụ này”.

Thái Minh