Những tiếp cận đầu tiên về tương lai không gian sống Việt Nam

- Thứ Sáu, 01/07/2022, 20:51 - Chia sẻ

5 đề án trong chương trình Architecture Leader Perspective (ALP - Tầm nhìn lãnh đạo kiến trúc) 2021 - 2022 đã được giới thiệu vào chiều 1.7, như những tiếp cận đầu tiên về tương lai không gian sống Việt Nam.

5 đề án gồm: Nhà ở ven đô (Công ty cổ phần Kiến trúc Xây dựng quốc tế 1 + 1 > 2); Zu - Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu (Công ty TNHH MTV THO.A (Atelier tho.A)); Giải pháp và thiết kế cho không gian công cộng trong nhà ở cao tầng (Công ty cổ phần Kiến trúc Lập phương (CUBIC)); Trí tuệ nhân tạo: Từ kiến trúc đến đời sống (Công ty cổ phần Kiến trúc Việt); Mô hình nhà ở tái lập (Công ty cổ phần Kiến trúc Xây dựng TTA Partners).

Sau khoảng thời gian nghiên cứu thực trạng một số không gian sống cụ thể, điều tra xã hội học về mong muốn của người dân, các đề án đã đề xuất giải pháp ứng dụng kiến trúc cho không gian sống tương lai, từng bước giải quyết các vấn đề trong thực trạng không gian sống hiện nay.

Những tiếp cận đầu tiên về tương lai không gian sống Việt Nam -0
Đề xuất giải pháp cho nhà ở ven đô

Trong đó, đề án “Nhà ở ven đô” đưa ra định hướng phát triển không gian thí điểm cho khu vực làng xóm đô thị hóa, từ thiết kế cảnh quan (bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống, phát triển những nét cảnh quan hiện có, bổ sung không gian công cộng) đến kiến trúc (nhận dạng mẫu nhà điển hình của khu vực, định hướng thiết kế cho từng mẫu nhà).

"Zu - Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu" tìm hiểu nhu cầu tinh thần của người sử dụng chưa được đáp ứng trong kiến trúc, từ đó định hướng thiết kế bổ khuyết vào không gian sống hiện hữu; tìm hiểu và ứng dụng các giải pháp tái sử dụng không chỉ vật liệu mà cả cấu trúc công trình.

Những tiếp cận đầu tiên về tương lai không gian sống Việt Nam -0
Zu giới thiệu phòng trà được thiết kế bổ sung tại một không gian sống hiện hữu

"Giải pháp và thiết kế cho không gian công cộng trong nhà ở cao tầng" tối ưu hóa không gian công cộng cho những dự án khu nhà ở cao tầng trong tương lai. Cụ thể, sử dụng linh hoạt diện tích bằng việc tăng cường không gian đa chức năng, linh hoạt thích ứng chuyển đổi chức năng theo tình hình, hoạt động. Đối với những không gian hạn chế, việc linh hoạt đa năng các không gian giúp tận dụng không gian tối đa, tăng tính tương tác giữa các hoạt động trong không gian chung.

"Mô hình nhà ở tái lập" đề xuất giải pháp tái thiết lập tại chỗ không gian cư trú cho một bộ phận cộng đồng tại các đô thị lớn, góp phần đạt tới sự phát triển bền vững (nhất là về mặt xã hội) trong lĩnh vực nhà ở; nâng cao chất lượng sống hướng tới một không gian sống văn minh hiện đại - thông minh; thiết lập không gian ở theo hướng hiện đại, biến đổi linh hoạt.

Những tiếp cận đầu tiên về tương lai không gian sống Việt Nam -0
Các đại biểu chia sẻ về không gian sống tương lai và những kỳ vọng với các đề án trong Chương trình ALP 2021 - 2022

"Trí tuệ nhân tạo: Từ kiến trúc đến đời sống" đề xuất mô hình kiến trúc sử dụng trí tuệ nhân tạo để có các công trình tiện lợi, tiết kiệm, tự động, hữu dụng và bền vững.

Đây mới chỉ là những kết quả nghiên cứu bước đầu. Các đề án được kỳ vọng sẽ phát triển chuyên sâu hơn, nhằm đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng, hướng đến sống an toàn, sống khỏe, tiện lợi, thông minh, bền vững và thăng hoa như mục tiêu Chương trình ALP 2021 - 2022 đặt ra. 

Các đề xuất từ 5 đề án được giới thiệu trong Triển lãm ALP Pavilion tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm (đối diện nhà hàng Lục Thủy), Hà Nội, từ ngày 1 - 3.7. Qua triển lãm, LIXIL - đơn vị tổ chức Chương trình ALP - kỳ vọng thu thập được phản hồi đa chiều từ cộng đồng, qua đó phát triển chương trình và các nghiên cứu chuyên sâu hơn trong tương lai.

Nhật Linh
#