Những thếp giấy lưu giữ văn hóa đồng bào Dao

- Chủ Nhật, 25/12/2022, 17:13 - Chia sẻ

Tại bản Hua Chăng, bản Tân Hợp, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, Lai Châu, đồng bào Dao đỏ hiện vẫn còn lưu giữ nghề làm giấy. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đòi hỏi phải sớm có giải pháp bảo tồn nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào, nếu không sẽ bị mai một.

Tỉ mỉ, kỳ công làm giấy truyền thống

Người Dao ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau, song nhìn chung, quy tụ thành các nhóm như: Dao Thanh Phán, Dao Tiền, Dao Quần trắng, Dao Thanh Y, Dao đỏ... Dù sinh sống ở nhiều nơi khác nhau, về tôn giáo, người Dao phần lớn theo tín ngưỡng nguyên thủy và chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, Đạo Phật và Đạo giáo trong quan niệm và nghi thức, lễ giáo. Không như một số dân tộc thiểu số khác, người Dao tuy không có văn tự riêng nhưng trong bản đều có người biết chữ và có thể đọc, viết được sách cúng, sách truyện, thơ bằng chữ Hán hay Nôm Dao. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến nghề làm giấy của người Dao đỏ cho đến nay vẫn được lưu truyền, có sức sống bền bỉ trước nhiều biến thiên của lịch sử và xã hội. Đây cũng là nhóm Dao còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kỹ thuật làm giấy và sử dụng loại giấy này trong đời sống hàng ngày và tâm linh.

Kỹ thuật làm giấy của người Dao là một quy trình sản xuất được đúc rút và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Người Dao đỏ tại hai bản Hua Chăng và Tân Hợp, thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, hiện vẫn còn lưu giữ được nghề làm giấy. Phụ nữ nơi đây rất thông thạo các công đoạn tạo ra các tờ giấy theo cách thủ công truyền thống.

Nghề làm giấy gắn bó với đồng bào Dao Đỏ từ lâu đời - Ảnh: laichau.gov.vn
Nghề làm giấy gắn bó với đồng bào Dao Đỏ từ lâu đời
Ảnh: laichau.gov.vn

Đồng bào Dao đỏ nơi đây sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên như cây vầu non, rơm rạ để làm bột giấy. Giấy làm từ rơm vàng hơn giấy làm bằng vầu. Vỏ cây mò hay còn gọi là zuồng được lựa chọn để làm keo tạo sự kết dính các thành phần trong bột làm giấy. Nguyên liệu không thể thiếu là vôi bột và tro bếp với vai trò chất xúc tác, làm cho các thân vầu, rơm khi đun sẽ nhanh mềm và cho ra nhiều bột làm giấy hơn. Đồng bào còn có các cây, lá tạo chất phụ gia giúp sản phẩm giấy làm ra trắng hơn.

Thân cây lúa phơi khô, hoặc vầu non được chặt thành khúc, chẻ nhỏ, rồi bỏ vào nồi to đun với một ít vôi bột, nước tro cho thật mềm. Vầu hoặc rơm đã luộc được ngâm với vôi và tro bếp khoảng mười ngày, giã nhuyễn bằng cối, rồi lọc bỏ bã, tạo ra một loại dung dịch sền sệt có màu ngả vàng. Sau đó, lấy chất nhớt làm keo dính (được làm từ các loại cây) trộn đều với dung dịch trên theo tỷ lệ thích hợp.

Hỗn hợp này sẽ được phụ nữ Dao đỏ khéo léo dàn đều trên bề mặt những khuôn tráng đã làm ướt, gác lên hệ thống giàn phơi. Khi giấy đã khô, để bóc giấy, người ta phải dùng chầy sím - “dao” được làm từ xương sườn trâu cậy bốn góc xung quanh cho giấy bong ra, sau đó mới dùng tay kéo tấm giấy ra khỏi khung và gấp lại cho đỡ rách…

Bảo tồn nghề gắn với phát triển bền vững

Giấy được sử dụng thường xuyên trong đời sống của đồng bào Dao đỏ, dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và các dịp lễ, Tết như lễ cấp sắc, lễ cầu an, lễ cầu mùa... Nhờ đặc tính dai và thấm mực, chữ viết trên giấy truyền thống thường rất khó phai, giúp những tri thức liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, thơ ca truyền thống… của người Dao đỏ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, ít mai một.

Tuy nhiên, PGS.TS. Đoàn Thị Mỹ Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, theo xu thế phát triển hiện nay, thế hệ trẻ được tiếp cận nhiều sản phẩm mới, sản xuất theo phương thức công nghiệp, tiện lợi, rẻ tiền, nên nghề làm giấy của người Dao đỏ có nguy cơ bị mai một. Nếu trước đây hầu hết hộ gia đình người Dao đỏ tại hai bản Hua Chăng và Tân Hợp đều làm giấy, thì hiện nay, nhu cầu và cuộc sống có nhiều thay đổi, chỉ còn một số ít hộ làm nghề, người biết làm đa số đã cao tuổi, trung tuổi. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tri thức dân gian trong nghề làm giấy là một nhu cầu cấp thiết, nhằm lưu giữ và bảo tồn những kinh nghiệm đã được đúc kết từ lâu đời.

Nghề làm giấy gắn bó với đồng bào Dao Đỏ từ lâu đời - Ảnh: laichau.gov.vn
Nghề làm giấy gắn bó với đồng bào Dao Đỏ từ lâu đời
Ảnh: laichau.gov.vn

Để bảo tồn nghề làm giấy gắn với phát triển về kinh tế - xã hội của đồng bào Dao đỏ tại thị trấn Tân Uyên, cần có những lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nghiên cứu cải tiến công nghệ làm giấy bảo đảm kỹ thuật truyền thống nhưng tăng năng suất, giải phóng sức lao động của con người. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá nghề làm giấy truyền thống, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm, giới thiệu bản sắc văn hóa, trong đó có nghề làm giấy tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Thực tiễn từ nhiều địa phương cho thấy, việc bảo tồn và phát huy tri thức dân gian trong thực hành nghề truyền thống là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển. Bởi tri thức dân gian là nguồn tài nguyên cần được nghiên cứu, học hỏi từ phía cộng đồng địa phương, từ đó hiểu thêm về truyền thống. Hơn nữa, việc bảo tồn và phát huy các tri thức dân gian trong nghề thủ công có thể giúp cải thiện và hỗ trợ sự phát triển bền vững qua việc tạo sinh kế từ mở rộng thị trường cho sản phẩm thủ công và phát triển du lịch cộng đồng tại nơi đang sở hữu di sản.

Thảo Nguyên