Nhận thức đúng, đánh giá khách quan

- Thứ Hai, 31/10/2022, 06:25 - Chia sẻ

Trên thực tế, nhận thức việc các tôn giáo là một nguồn lực phát triển đất nước và vận dụng vào thực tiễn vẫn chưa thực sự đầy đủ; việc thể chế hóa thành chính sách, pháp luật còn chậm. Điều này dẫn đến vướng mắc trong phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia hoạt động xã hội.

Giá trị vật chất và tinh thần

Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10.1.2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới nêu rõ: “Phát huy nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”. Đến Đại hội XIII của Đảng, vấn đề “phát huy nguồn lực” của các tôn giáo lần đầu tiên được ghi trong Văn kiện Đại hội. Quan điểm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát huy giáo lý tốt đẹp trong đời sống xã hội và đóng góp nguồn lực cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Theo các nhà nghiên cứu, nguồn lực tôn giáo cơ bản được thể hiện ở hai phương diện: vật chất, là những đóng góp của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể trong lĩnh vực nhân lực, tài chính, y tế, giáo dục… và tinh thần, là văn hóa, đạo đức, thể hiện trong hệ thống triết lý, giới luật, lễ nghi có tác dụng điều chỉnh nhận thức, hành vi của tín đồ. Thông qua thiết chế của mình, các tôn giáo có khả năng phát huy năng lực thu hút, huy động nguồn lực lớn gồm con người, kinh tế… chuyển vào các hoạt động an sinh xã hội.

Nhìn nhận rõ giá trị, vai trò xã hội của các tôn giáo, gồm các tổ chức, chức sắc, tín đồ, cơ sở vật chất, hoạt động tôn giáo… là cách xác định các thành tố cấu thành quan trọng nên nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng, phát triển đất nước. Thời gian qua, các tôn giáo đã góp phần quan trọng thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo. Xuất phát từ chính giá trị tự thân của tôn giáo là hướng con người đến “chân, thiện, mỹ”, những tôn giáo có tiềm lực, đông tín đồ đã đóng góp nguồn lực dồi dào cho hệ thống an sinh xã hội, với những cách làm, mô hình thiết thực, cụ thể và hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để khơi thông, phát huy nguồn lực tôn giáo hiệu quả hơn, cần cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, để không bị lãng phí nguồn lực, đến đúng địa chỉ, cũng như các giá trị của tôn giáo ngày càng lan tỏa trong quá trình tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, phát triển đất nước.

Công tác từ thiện xã hội được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Phật giáo - Nguồn: PSO
Công tác từ thiện xã hội được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Phật giáo
Nguồn: PSO

Hai thách thức lớn

Tính đến tháng 12.2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với số tín đồ chiếm 27% dân số cả nước, trên 58.000 chức sắc, khoảng 148.000 chức việc và trên 29.000 cơ sở thờ tự trên cả nước.

Hiện nay việc tham gia công tác xã hội, từ thiện của các tôn giáo bộc lộ không ít khó khăn, bất cập. Như nguồn kinh phí cho công tác xã hội, từ thiện chủ yếu đến từ nguồn trợ giúp của cá nhân, tổ chức từ thiện, nên thiếu tính chủ động và không ổn định. Qua báo cáo rà soát, tại không ít trung tâm trợ giúp xã hội của các tôn giáo cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ nhưng chưa có điều kiện sửa chữa, bổ sung, nâng cấp. Nhân viên làm việc tại cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội, thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng. Nhiều cơ sở giáo dục của tôn giáo, như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, còn phân tán, chủ yếu đào tạo các ngành, nghề ngắn hạn, giản đơn, với chất lượng giáo viên hạn chế về trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ và sư phạm…

Chưa kể, các cơ sở trợ giúp xã hội của các tôn giáo thường hoạt động riêng rẽ, độc lập trong tôn giáo mình, thiếu sự kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan quản lý nhà nước, phúc lợi xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác. Do là cơ sở thuộc các tôn giáo nên gần như chưa được hưởng chính sách xã hội hóa của Nhà nước, chưa tiếp cận được các chính sách về vốn, tín dụng ưu đãi (đất đai, xây dựng cơ sở do các trường tự đầu tư hay do giáo dân hiến tặng…). Ngược lại, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quyên góp từ thiện, an sinh xã hội… của các tôn giáo cũng còn mang tính chất hành chính, chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để thúc đẩy hoạt động tôn giáo đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Nhận thức đúng và đánh giá khách quan nguồn lực tôn giáo càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi Đảng, Nhà nước đã xem tôn giáo là nguồn lực. Tuy nhiên, việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương đó thành các chính sách cụ thể còn chậm, nên chưa phát huy được hết nguồn lực các tôn giáo tham gia hoạt động xã hội.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, TS Lê Thị Liên chỉ ra hai thách thức lớn trong việc phát huy nguồn lực tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay nằm ở nhận thức và cơ chế, chính sách. “Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu và khảo sát, đánh giá nhưng nhận diện nguồn lực tôn giáo vẫn chưa thực sự đầy đủ. Có nhận thức về nguồn lực tôn giáo hạn hẹp, chỉ ở mức độ tham gia từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội để phát triển tôn giáo. Hoặc cũng có nhận thức quá tô hồng khi nhìn những con số, về khả năng của tôn giáo và vô hình trung điều đó gây áp lực cho các tổ chức tôn giáo. Trong khi đó, cơ chế hoạt động an sinh xã hội với hoạt động tôn giáo còn đan xen, chưa có sự tách bạch, dẫn đến vướng mắc khi khảo sát hay nhìn nhận, đánh giá, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp”.

Hải Đường