Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật

- Thứ Hai, 15/08/2022, 05:52 - Chia sẻ

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện, trình Chính phủ. Nhiều người kỳ vọng Nghị định khi ban hành sẽ bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức; đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Xử lý vi phạm bảo đảm tính răn đe

Khoản 2, Điều 64, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Căn cứ quy định của Luật này và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính…”.

Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật -0
Nhiều ý kiến cho rằng ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở thời điểm hiện nay là cần thiết

Ngay sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các quy trình xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Nội vụ cho biết đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo và cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các cấp chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố. Các ý kiến đều đề nghị cân nhắc, thận trọng khi quy định những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; về đối tượng áp dụng; về hình thức xử phạt; về thẩm quyền xử phạt, cần có thời gian để sơ kết đánh giá việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) làm cơ sở xem xét việc ban hành Nghị định này.

Qua sơ kết 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, đánh giá cho thấy, có những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, chủ yếu liên quan đến Điều 5 của Luật, các hành vi bị nghiêm cấm như: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân và trục lợi.

Bên cạnh đó, còn có các vi phạm như không đăng ký hoặc không đăng ký bổ sung hoặc tổ chức hoạt động tín ngưỡng không đúng với văn bản đăng ký; việc sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam không đúng đăng ký; không thực hiện việc điều chỉnh, đăng ký hiến chương sửa đổi, thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; việc tham gia hoạt động, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài, việc tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không đúng mục đích…

Nhiều ý kiến cho rằng, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cần được xử lý để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thực hiện pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Tuy nhiên, do chưa có quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nên nhiều hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được xử lý hoặc không thể xử lý.

Khuyến cáo, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật

“Đa số ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, các cấp chính quyền địa phương đã nhìn nhận việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết để đáp ứng công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Từ kết quả đó, Bộ Nội vụ cho rằng việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở thời điểm hiện nay là cần thiết” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết khi trả lời TTXVN.

Bên cạnh đó, ngày 13.11.2020, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022). Trong đó quy định “tín ngưỡng, tôn giáo” là một trong các lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi vi phạm là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng.

Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bảo đảm công bằng, đúng quy định pháp luật, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi và đang tiếp thu, hoàn thiện để trình Chính phủ.

 “Xác định rõ ‘cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng’, phải tập trung vận động, hướng dẫn, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của cá nhân, tổ chức tôn giáo, nên hầu hết quy định trong dự thảo Nghị định, nếu vi phạm lần đầu chủ yếu phạt cảnh cáo nhắc nhở, buộc các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật. Đối với các hành vi tái phạm và vi phạm điều cấm của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, mức xử phạt nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cá nhân, tổ chức tôn giáo nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động tôn giáo, không vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là biện pháp bảo vệ, nâng cao trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thảo Nguyên