Xem - Nghe - Đọc

Một thư viện ở Paris

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 06:32 - Chia sẻ

"Một thư viện ở Paris" với tôi là một cuốn tiểu thuyết đẹp và cảm động qua từng trang viết về tình yêu của sách và thư viện, giống như lời bình của một cây bút nào đó: "Ánh sáng của những cuốn sách bừng lên trong màn đêm của chiến tranh".

Nguồn: ITN

"Một thư viện ở Paris" (The Paris Library: A Novel) của nữ tác giả Janet Skeslien Charles, cuốn tiểu thuyết từng gây tiếng vang khi ra mắt năm 2020, lọt vào danh sách best-seller của cả New York Times, Washington Post và USA Today và nhanh chóng được dịch ra 35 thứ tiếng trong vòng 2 năm, hiện đã có bản tiếng Việt.

Cuốn này nằm trong bộ ba "tiểu thuyết địa danh": Một thư viện ở Paris, Hiệu sách cuối cùng ở London và Ký họa Venice. Ba thành phố, ba địa danh nổi tiếng hàng đầu thế giới, nơi đã được khai thác "nát bét" trong văn chương và phim ảnh, thì còn gì nữa mà viết?

Thế nhưng, đọc ba cuốn này, vẫn thấy các nhà văn vẫn biết cách để kể một câu chuyện hấp dẫn, vừa có yếu tố lãng mạn ngôn tình, vừa ngồn ngộn các chi tiết về văn hóa, con người ở những nơi chốn ấy mà vẫn chứa đựng một vài yếu tố bí mật hay xét lại lịch sử, hay sự sám hối của bản thân. Bởi cả ba cuốn tiểu thuyết đều đặt trong bối cảnh Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và được kết nối với một trục thời gian của hiện tại, tạo không gian và khoảng lùi thời gian để các nhân vật đó nhìn lại quá khứ của mình, với một cái nhìn phản tư. 

Trong ba cuốn đó, cuốn tôi đọc kỹ nhất và thích nhất, là "Một thư viện ở Paris" của Janet Skeslien Charles, một nhà văn đến từ Montana (Mỹ), người dành vài năm trải nghiệm của mình như một thủ thư tại một thư viện Hoa Kỳ ở Paris để "lục lại quá khứ" và viết nên một cuốn tiểu thuyết mang hơi hướng "based on a true story" (dựa trên một câu chuyện có thật), hoặc ít nhất cũng được gợi hứng từ đó.

Vì vậy, tôi gọi cuốn tiểu thuyết này là một bức thư tình gửi Paris nhưng với ít nhiều sám hối, khi nhân vật chính, một nữ thủ thư từng làm việc ở Thư viện Hoa Kỳ tại Paris trong những năm chiến tranh thế giới thứ 2 ác liệt nhất - nay là một bà già đang sống ẩn dật tại Montana và vẫn phải nếm mùi cay đắng của những bí mật chôn giấu. 

Hai trục thời gian, hai nhân vật già và trẻ kết nối với nhau thông qua những cuốn sách và những hoài niệm về những năm tháng khốc liệt nhất và cũng đẹp đẽ nhất của thời tuổi trẻ - một tình bạn kỳ lạ nhưng đều có tính cứu chuộc lẫn nhau. Để một bên, tìm cách xoa dịu những vết thương và trả những món nợ của quá khứ, còn một bên, tìm được sức mạnh nội tâm để trưởng thành, để tránh được những vết xe đổ của tiền nhân. 

Cuốn tiểu thuyết với hai trục thời gian song song, với hai nhân vật nữ chính song song kể chuyện về hành trình nội tâm của họ, nhưng có sự kết nối mạch lạc và dần dần tiến đến một điểm đích đến như nó xứng đáng phải được thế.

Đọc cuốn tiểu thuyết lãng mạn chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử hư cấu này, cộng với tình yêu của những cuốn sách được phả qua từng trang, nó giống như được viết riêng và được thiết kế riêng cho những ai yêu sách và yêu cái không gian của sự tập trung tuyệt đối ở thư viện vậy. Nó cũng phần nào khiến tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết từng là hiện tượng xuất bản lớn vài năm trước The Book Thief của Markus Zusak và bộ phim The French Dispatch của Wes Anderson gần đây. 

Nhưng điểm tôi đánh giá cuốn tiểu thuyết này cao hơn so với hai cuốn tiểu thuyết còn lại về London hay Venice nói trên, chính là yếu tố xét lại lịch sử qua sự sám hối của một nhân vật kể chuyện. Qua đó, ta thấy được, cái hoàn cảnh khốc liệt của lịch sử, đôi khi đẩy con người vào sự tàn bạo, cay nghiệt và thậm chí vô minh. 

Nhưng, hoàn cảnh lịch sử chỉ là cái nền và bối cảnh thôi, sự xấu xí của con người đôi khi chỉ vì sự ích kỷ và lòng đố kỵ của họ nữa. Như tác giả viết trong cuốn này: "Sự đố kỵ, nếu không kiểm soát được nó, nó sẽ kiểm soát ngược lại ta".

Cuốn tiểu thuyết cũng có những trang viết thật sắc sảo về người Paris, người Pháp và cái nhìn không khoan nhượng vào bản chất con người khi họ phải đứng trước một thử thách sinh tử hay sống còn nào đó. 

Như đoạn này về "người Paris" chẳng hạn: "Người Paris chúng tôi là một giống blasé (tên một giống… chó). Chúng tôi đi nhanh nhưng không bao giờ vội. Chúng tôi không để mắt hay nhìn ngắm các cặp tình nhân trong công viên. Chúng tôi lịch lãm ngay cả khi đi đổ rác, hùng hồn cả khi xúc phạm ai đó. Nhưng vào những ngày đầu tháng Sáu, tin tức truyền đến rằng xe tăng Đức chỉ còn cách thành phố vài ngày nữa, thì người Paris đã quên mất chính bản thân mình".

Sự "quên mất chính bản thân mình" của người Paris được lặp lại một lần nữa ở những chương gần kết, khi Thế chiến thứ 2 kết thúc với sự thất bại của phát xít Đức và Hitler. Đó là lúc ngoài việc ăn mừng chiến thắng, người Paris và những người thắng cuộc khác bắt đầu phán xét và trừng phạt những kẻ phản bội họ, mà đôi khi vì tình thế không thể khác được, hoặc đôi khi vì tình yêu, vì một cuộc tình lãng mạn vượt lên trên mọi sự thù nghịch giữa một cô gái Anh nhập cư và một tên lính Đức.

Và chính trong cái giai đoạn kết thúc của cuộc chiến ấy, nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết cũng phạm vào một thứ tội lỗi do lòng đố kỵ gây ra. Để rồi phải tự dày vò suốt cả cuộc đời còn lại trong sám hối cũng như tìm cách để "chuộc tội". Một thứ "chuộc tội" lại khiến tôi phần nào nhớ đến Atonement của Ian McEwan cũng từng được chuyển thể thành phim nhiều năm trước. 

"Một thư viện ở Paris", vì vậy, với tôi là một cuốn tiểu thuyết đẹp và cảm động qua từng trang viết về tình yêu của sách và thư viện, giống như lời bình của một cây bút nào đó: "Ánh sáng của những cuốn sách bừng lên trong màn đêm của chiến tranh".

Nhưng còn hơn cả thế, đó còn là một bức thư tình gửi Paris với một lời sám hối, dù hơi muộn mằn.

Bảo Khánh