Làm mới sân khấu trên nền tảng truyền thống

- Chủ Nhật, 27/11/2022, 09:59 - Chia sẻ

Khép lại sau 11 ngày tranh tài (từ 15 - 26.11), Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V được đánh giá mặc dù vẫn có hạn chế nhưng đã tìm được những điều mới mẻ trong nghệ thuật.

Tham dự Lễ bế mạc Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V tối 26.11 có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.

Nhiều ý đồ sáng tạo và trình diễn nghệ thuật

Làm mới sân khấu trên nền tảng truyền thống -0
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao Giải Đặc biệt cho đại diện Sân khấu Lệ Ngọc

Phát biểu tại Lễ bế mạc, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo khẳng định hầu hết các vở diễn tham gia Liên hoan đều tập trung vào yếu tố thử nghiệm, ý đồ sáng tạo và trình diễn nghệ thuật.

“4 vở diễn từ sân khấu nước ngoài là “Anh em nhà Lehman” (The Lehman Brothers) của Italy, “Câu chuyện biển cả” (Sea Stories) của Ba Lan, “Họa bì” (The Painted Skin) của Singapore và “Bí ẩn của nhà YVUA” (The Mystery of the House of YVUA) của Hàn Quốc đều thể hiện được ý đồ thử nghiệm bằng thực tiễn vở diễn: sân khấu vài ba nhân vật, diễn xuất chủ yếu là trò nhời có sự kết hợp với trò diễn, tổng hợp các yếu tố nói - nói lối, hát, động tác biểu hiện ước lệ, cách điệu và vũ đạo, diễn với con rối và các đồ vật (đạo cụ) hiện diện trên sàn diễn”, PGS.TS Tất Thắng nhận xét.

Làm mới sân khấu trên nền tảng giá trị truyền thống  -0
Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Các đoàn, nhà hát sân khấu Việt Nam cũng đóng góp một số vở kịch nước ngoài dàn dựng theo xu thế thử nghiệm Việt hóa. Có thể nêu trường hợp vở diễn “Antigone”, sân khấu Trần Lực đã Việt hóa bằng nhiều yếu tố, nổi bật là dàn đồng ca, một thành phần đặc trưng của sân khấu cổ đại, được thể hiện bằng tiếng đập của những chiếc gậy tre hòa nhịp cùng tiếng trống gây ấn tượng cho khán giả. Chiếc gậy tre, đòn tre Việt Nam còn được sử dụng ở vở diễn khác như “Thượng Thiên Thánh Mẫu” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Vở “Ê Đíp làm vua” của Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội lại là sự thử nghiệm hiện đại hóa kịch cổ đại Hy Lạp bằng phục trang của nhân vật Ê Đíp cùng biện pháp mỹ học phân thân nhân vật Jocaste Hoàng hậu, nhân vật kết tinh tính bi kịch của vở diễn...

Yếu tố khác lạ, không gian nghệ thuật đầy chất dân gian

Làm mới sân khấu trên nền tảng giá trị truyền thống  -0
Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ

Hội đồng giám khảo đánh giá, các vở diễn thuần Việt trình diễn tại Liên hoan lần này đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự tiếp nhận của khán giả, nhất là các đại diện quốc tế. Đó là 2 vở rối “Bản tình ca trên núi” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và “Lời thề” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng), thể hiện sự khác lạ của nghệ thuật rối Việt Nam với yếu tố thử nghiệm: diễn viên biểu diễn cùng con rối, tạo sự thích thú cho khán giả, do yếu tố chơi sân khấu một cách hồn nhiên, thơ ngây và giàu chất huyền thoại của nghệ thuật rối xưa, có sự tham gia của yếu tố mỹ thuật, tạo nên không gian hoành tráng đầy chất dân gian Việt Nam.

Các vở diễn kịch nói của Việt Nam ít nhiều đều chú trọng vào yếu tố thử nghiệm. Ví dụ như vở “Bến bờ bên kia” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) thử nghiệm trang trí rắn (chất liệu kim khí) để diễn tả các khoang của một con thuyền qua sông, sang bờ bên kia với tất cả sự nặng nề bức bối với những con người phức tạp đủ loại, từ em bé đến nhà văn. Yếu tố thử nghiệm này đã phần nào làm giảm tính lênh đênh của con thuyền sang sông. Vở “Người trong cõi nhớ” (Nhà hát Kịch Việt Nam) thử nghiệm diễn tả đến bốn cõi trên một sàn diễn: Cõi trần, cõi âm, cõi (nên) nhớ, cõi (nên) quên.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, “cần ghi nhận các loại hình sân khấu hộp, sân khấu tầng, sân khấu quay, sân khấu khung được thử nghiệm thành công trên sàn diễn của Liên hoan lần này”.

Làm mới sân khấu trên nền tảng truyền thống -0
Vở "Thượng Thiên Thánh Mẫu" của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao HCV

Một nét nổi bật khác chứng tỏ tính thử nghiệm của Liên hoan là sân khấu rất ít nhân vật, xu thế độc diễn được thể hiện tập trung. Có thể kể các vở: “Giác” (Hội Sân khấu Hà Nội), “Đối thoại âm dương” (Hội Nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng), các vở kịch từ sân khấu nước ngoài. Ngay cả các vở diễn có hơn 1 nhân vật, xu thế độc diễn vẫn nổi lên đậm nét như vở “Ê Đíp làm vua” (Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội).

Tuy nhiên, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần này được đánh giá vẫn còn một số nhược điểm. Đó là sự sa đà trong diễn xuất, khi thì hài hước quá trở nên vô duyên mà hụt đâm ra nhạt nhẽo; tính bi buồn mà quá thì trở thành bi lụy mà hụt thì vô cảm. Một số vở diễn sa đà với cách diễn tả chân nên khiến cho một vài lớp diễn trở nên tự nhiên chủ nghĩa...

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, với cả mặt tích cực và hạn chế, Liên hoan giúp các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và quốc tế có những khoảng lặng để chiêm nghiệm, từ đó tìm được những điều mới mẻ trong nghệ thuật, biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, mỹ thuật, âm nhạc và những thành phần phụ trợ khác để luôn làm mới sân khấu dựa trên nền tảng giá trị truyền thống trong nghệ thuật sân khấu của mỗi quốc gia.

“Tôi được nghe một số nghệ sĩ nước ngoài chia sẻ là đã học được nhiều điều thú vị từ nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Tôi hy vọng các nghệ sĩ Việt Nam cũng học được nhiều ở cách sáng tạo của bạn bè quốc tế. Thông qua các tác phẩm tham dự Liên hoan, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về con người và đất nước Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người Việt Nam trung dũng, kiên cường, thân thiện và mến khách, luôn hướng tới cái đẹp và các giá trị nhân văn”, NSND Trịnh Thúy Mùi khẳng định.

Ban tổ chức đã trao HCV cho các vở diễn: “Bản tình ca trên núi” (Nhà hát Múa rối Việt Nam), “Người trong cõi nhớ” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Thượng thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam - Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Đến bờ bên kia” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng).

28 nghệ sĩ được trao HCV, trong đó có 3 nghệ sĩ quốc tế gồm: Tom Corradini vở “Anh em nhà Lehman”, Italy; Slawomir vở “Câu chuyện biển cả”, Ba Lan và Sungtae Kim vở “Bí ẩn của nhà YVUA”, Hàn Quốc.

Giải Đặc biệt được trao cho vở diễn “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức cũng trao các giải cá nhân xuất sắc: NSƯT Doãn Bằng (Họa sĩ xuất sắc), NSƯT Phùng Tiến Minh (Nhạc sĩ xuất sắc), NSND Nguyễn Tiến Dũng (Đạo diễn xuất sắc), nghệ sĩ Như Sơn (Ánh sáng xuất sắc) và NSƯT Lệ Thu (Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc).

Hương Sen