Phát huy nguồn lực các tôn giáo

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Thứ Hai, 31/10/2022, 06:31 - Chia sẻ

Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy tối đa tiềm lực ở nhiều lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các chức sắc, chức việc tại Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các chức sắc, chức việc tại Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ảnh: Nhật Bắc

Hiểu rõ từng tôn giáo và thế mạnh của tôn giáo ấy

Theo Viện trưởng Viện Tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Đỗ Lan Hiền, mục đích và mong muốn tham gia hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo không phải lúc nào cũng đồng nhất với ý tưởng, mục tiêu chính trị - xã hội của hệ thống chính trị. Nhìn rộng ra thế giới, tôn giáo tham gia vào công tác xã hội cũng được các chính phủ khuyến khích, nhưng tham gia đến đâu lại là vấn đề của mỗi quốc gia. Nói cách khác, nguồn lực của tôn giáo được khai thác, phát huy thế nào phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh, điều kiện khách quan của xã hội và ý muốn chủ quan của nhà cầm quyền. 

ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Ảnh: H.Long
Ảnh: H.Long

"Để thể chế hóa quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”, cử tri chức sắc và tín đồ tôn giáo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội để các tôn giáo có thể tham gia, thực sự là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững".

ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên)

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định về hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở mệnh đề “được tham gia”. Điều này khiến nguồn lực của tôn giáo chưa được khai thông, các tổ chức tôn giáo khó phát huy hết tiềm năng, nội lực khi tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện...

“Chưa kể, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng chưa có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hay các tổ chức quốc tế trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xã hội. Các tổ chức pháp nhân khác cũng chưa tiến tới và sẵn sàng hợp tác hay là đối tác với các tổ chức tôn giáo trong thực hiện các dự án kinh tế, xã hội”, PGS.TS Đỗ Lan Hiền nhận định.

Để huy động hiệu quả nguồn lực của các tôn giáo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, TS. Lê Thị Liên cho rằng, cần hiểu rõ từng tôn giáo và thế mạnh của tôn giáo ấy. Ví dụ, có tôn giáo có nguồn lực bền vững, có tôn giáo có nguồn lực ở mức độ vừa phải, có tôn giáo với nguồn lực đủ mạnh để tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước, thậm chí với tư cách là chủ đầu tư, quản lý, nhưng cũng có tôn giáo hoạt động ở mức độ từ thiện, nhân đạo… Như vậy, cần đánh giá đúng để có lộ trình pháp lý trong công tác tham mưu ban hành chính sách phù hợp.

Xây dựng cơ chế đồng bộ

Từ chủ trương xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo, cần tạo điều kiện, hướng dẫn và vận động để các tôn giáo được tham gia hoạt động này một cách phù hợp. TS Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, đã đến lúc cần bình thường hóa việc tôn giáo tham gia các lĩnh vực dân sự như làm kinh tế, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo… Theo đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh do tôn giáo thành lập có thể tham gia các lĩnh vực này bình đẳng với các loại hình tổ chức, doanh nghiệp dân sự khác.

Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của các tổ chức tôn giáo và chủ động trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã tạo ra niềm tin cho tổ chức và cá nhân tôn giáo đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Song trong bối cảnh nước ta hiện nay, cần phải thế chế hóa và có cơ chế hướng dẫn, điều chỉnh để các tôn giáo đóng góp nguồn lực vào những lĩnh vực có tiềm năng một cách lâu dài, có mô hình cụ thể, mang tính chiến lược, không để “mạnh ai nấy làm”, hay làm không có khoa học, mang tính tức thời.

Bên cạnh Điều 55, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo, cần bổ sung nội dung cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tế về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa công tác tác xã hội, nhân đạo, từ thiện... Hay Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… cũng phải cụ thể hóa điều này bằng các thông tư, văn bản liên ngành để hướng dẫn, định lượng các tôn giáo tham gia vào lĩnh vực y tế, giáo dục...

Theo các chuyên gia, tăng cường quản lý nhà nước, phát huy vai trò của tôn giáo tham gia hoạt động xã hội phải có sự đồng bộ trong nhận thức và cơ chế. Cơ chế, chính sách, quy định phù hợp sẽ thu hút các tôn giáo tham gia vào nhiều lĩnh vực, phát huy tối đa nguồn lực tôn giáo. Để tránh câu chuyện lợi dụng nguồn lực tôn giáo nhằm trục lợi, cần các nguyên tắc, chế tài, quy định pháp luật chặt chẽ, rõ ràng. Chương trình sử dụng nguồn lực tôn giáo phải kết hợp giữa giám sát và xây dựng các phương pháp quản lý cụ thể.

Bên cạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có việc nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tôn giáo vào hoạt động an sinh xã hội, hướng các hoạt động này theo chiều hướng tích cực, tiến bộ, đúng mục đích.

Lê Thư