Hà Nội qua những dấu chân đi về

- Thứ Hai, 03/10/2022, 15:41 - Chia sẻ

"Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố".

Hà Nội qua những dấu chân đi về -0
Tập du khảo sẽ được tổ chức ra mắt vào 18 giờ ngày 7.10 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội

Độc giả từ lâu đã biết đến Nguyễn Trương Quý như một nhà văn say mê viết về Hà Nội. Cuối năm 2020, Nhã Nam cho ra mắt tập tản văn "Hà Nội bảo thế là thường", trong đó Nguyễn Trương Quý đi vào những mảnh ghép của Hà Nội, những đặc trưng nho nhỏ, thói quen hay tâm tình của con người Thủ đô… 

Ngày 7.10 tới, Nhã Nam sẽ ra mắt cuốn sách tiếp theo của Nguyễn Trương Quý, tập du khảo "Triệu dấu chân qua những cửa ô". Lần này nhà văn chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về. Như anh chia sẻ trong lời nói đầu cuốn sách: "Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố".

Cuốn sách quan sát trong khoảng một trăm năm qua, những đường đi lối lại của người Hà Nội, những phương tiện họ sử dụng, những chốn ở và đi quen thuộc cả trong đời thường và trong vọng tưởng. Và trong cuộc đi lại mải miết ấy, theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay, kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội.

Đấy có thể là sự phôi pha của những cửa ô trước sự phát triển của đô thị mới: "Nhưng rồi người Việt cũng mau chóng hấp thụ những hình thái mới, với họ ngã tư và cột đèn trở thành cặp bài trùng mới cho đô thị, thay cho những bến sông và cửa ô. Ngay chính những cửa ô cũng trở thành các ngã tư, ngã năm khi những đoạn tường lũy bị bạt thấp dần trở thành đường đi. Người Hà Nội đã quen với những ngã năm Chợ Dừa, ngã tư Đại Cồ Việt, ngã tư Cầu Dền mà dần quên hình ảnh các cửa ô từng hiện diện cho đến cuối thế kỷ XIX. Phạm vi của những khu phố lan dần ra xa hơn những cửa ô, theo những tuyến đường tàu điện về các ngả".

Hay là nỗi hoài nhớ đượm màu lãng mạn của con người dành cho tàu điện đã biến mất vì không còn sự thực dụng: "Tiếng leng keng không thay đổi qua năm tháng đã giúp việc hồi cố chồng lấn hai thời Pháp thuộc và bao cấp. Nó khiến người thời bao cấp và cả hậu bao cấp vẫn như được đồng hội đồng thuyền với người thời Pháp thuộc. Nó mỹ hóa ký ức của họ. Họ nhớ tàu điện là nhớ năm tháng nhọc nhằn, để rồi bồi đắp một ý niệm về vẻ đẹp khổ hạnh mà giờ đây lại thành của hiếm".

Triệu dấu chân qua những cửa ô là tập du khảo đầu tiên vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về. Nhiều ý kiến nhận định, cuốn sách là một cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian - thời gian, hấp dẫn bởi vị sâu lắng ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị, bởi cho ta nhận thức về việc ta có kết nối gì với quá khứ và vì sao ta ở đây. 

Hải Đường
#