Đọc sách: Nữ thần trong giới diễn viên

- Thứ Sáu, 20/05/2022, 09:46 - Chia sẻ

Nghệ sĩ điện ảnh nào dẫn đầu về số lần được đề cử giải Oscar? Người yêu điện ảnh có thể nói được ngay: đó là Meryl Streep.

Chính xác là cho đến năm 2022, Meryl Streep đã được đề cử 21 lần (cuốn sách này mới viết đến năm 2012 và cho con số là 17 lần). Một kỷ lục làm choáng váng bất cứ một người mê phim ảnh nào. Diễn viên Mỹ thuộc hàng có tên tuổi, có khi suốt cả sự nghiệp chỉ mong một lần được đề cử giải Oscar, chỉ đề cử thôi đã là vinh dự lớn, đã thuộc hạng diễn viên hàng đầu của đất nước. Ấy vậy mà Meryl Streep đã hơn 20 lần được đề cử, và số lần đoạt được giải thưởng lớn này của bà là 3. Như vậy bà cũng thuộc hàng những nghệ sĩ đoạt nhiều Oscar nhất ở Hollywood.

Bên cạnh đó, Meryl Streep còn lập kỷ lục 32 lần được đề cử Quả Cầu Vàng và 8 lần đoạt giải. Bà đã đoạt 2 giải thưởng của Viện Hàn lâm điện ảnh Anh quốc, 6 giải Grammy và 3 giải Emmy.

Giải Oscar đầu tiên của bà là phim Krammer vs. Krammer (tên tiếng Việt: Gà trống nuôi con, 1979). Lần Oscar thứ hai là Sự lựa chọn của Sophie, 1982. Lần thứ ba là Người đàn bà thép, 2011, bà vào vai nữ thủ tướng Anh khét tiếng, Margaret Thatcher.

Không thể kể hết những vai diễn ấn tượng của Meryl Streep trên màn ảnh và sân khấu, nhưng có thể in đậm trong tâm trí người xem là phim Xa mãi Phi châu (Out of Africa), hoặc là vai người đàn bà bình dân luống tuổi với tình yêu đến muộn trong phim Những chiếc cầu ở quận Madison.

Đọc sách: Nữ thần trong giới diễn viên -0

Meryl Streep nữ hoàng không ngai là cuốn sách dựng chân dung của nữ nghệ sĩ kiệt xuất này. Sách được viết ở dạng chân dung văn chương, kể tuần tự chuyện đời của Meryl Streep (sinh năm 1949) từ tuổi thơ cho đến khi đến với sân khấu, trở thành ngôi sao màn bạc. Bà đã xuất hiện trên sân khấu sinh viên bằng rất nhiều vai diễn kinh điển, rồi trở thành đào chính trong những vở kịch như Vườn anh đàoChim hải âu của Chekhov, Cô nàng đáo để đã thuần rồi của Shakespeare… Với điện ảnh, ban đầu cô diễn viên trẻ không thuộc diện ngôi sao lộng lẫy, “mũi hơi dài”, “hai mắt hơi gần nhau”... nhưng đấy là một vẻ đẹp đặc biệt, dần tạo nên cá tính của một nghệ sĩ lớn.

Vì là sách chân dung, tác giả không thể bỏ qua cuộc sống riêng và tính cách của Meryl Streep. Ấn tượng sâu đậm để lại là ngay thời nữ diễn viên còn trẻ, trong một mối tình thắm thiết với John Cazale, người đóng vai Fredo trong phim Bố già. Anh là một diễn viên xuất sắc nhưng đã bị các giải thưởng bỏ qua. Sự nghiệp đang được đánh giá tốt thì anh mắc bệnh ung thư. Meryl đã theo anh đi chữa bệnh, ở bên anh cho đến giây phút cuối cùng, và hậu chấn của mất mát này còn theo cô mãi về sau, trong những vai diễn bi thương. Cô “không hề hồi phục ở bất kỳ phương diện nào” sau cái chết của John (trang 320).

Rất nhiều câu chuyện sinh động được kể ra trong cuốn sách. Người đọc có cảm tưởng quen biết và gần gũi với một ngôi sao sáng chói nhưng bình dị. Bà là một diễn viên đa tài, vai bi hay hài đều đóng. Múa và hát trong phim đều tự làm, một cách chuyên nghiệp. Rất thú vị khi ở tuổi gần sáu mươi, bà còn nhảy múa tưng bừng và tự hát những bài của ABBA trong phim Mamma Mia, 2008. Trình độ vũ đạo và thanh nhạc tốt, thẩm âm tinh tế, bà còn đóng những cảnh đặc biệt thú vị trong phim Florence Foster Jenkins, một nhân vật có thật, nữ phú gia ảo tưởng, mơ ước trở thành ca sĩ. Khi Meryl Streep hát những nốt mà nhân vật Jenkins hát sai nhạc, sai mà thú vị đến nỗi người xem nhớ mãi vai này, như một phép biến hình của Meryl Streep vào tính cách hài. Nhưng khi bà nhà giàu kém nhạc kia tập tành mãi để hát được đúng, Meryl Streep đã hát lên những nốt đúng tuyệt vời.

Tác giả cuốn sách có một nhận định toàn diện về Meryl Streep: “Có vẻ danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất đã gắn liền với bà cũng lâu như khoảng thời gian nữ hoàng Elizabeth II trị vì nước Anh. Những tính từ so sánh dính lấy bà như đinh bấm: bà chính là “Nữ thần trong giới diễn viên”, người có thể hóa thân thành bất kỳ nhân vật nào, làm chủ mọi thể loại, và thề có Chúa, bắt chước được mọi âm điệu địa phương (người viết bài này (HAT) xin nói thêm: bà đã nói giọng quê của một người đàn bà gốc Ý trong phim Những chiếc cầu ở quận Madison khiến người xem trong rạp chốc chốc phải bật cười). Thay vì xuống phong độ sau tuổi năm mươi như bao người, bà đã thách thức sự đào thải của Hollywood và chạm đến đỉnh cao sự nghiệp. Không một nữ diễn viên nào sinh sau năm 1960 có thể nhận được vai diễn, trừ khi Meryl chủ động nhường”.

Cuốn sách dịch không đều tay. Sau những trang trôi chảy lại vấp phải những trang đầy sạn. Người dịch có vẻ không thông thạo những khái niệm chuyên môn của sân khấu và điện ảnh. Đạo diễn phim bị dịch thành “giám đốc Michael Cimino” (trang 230), có lẽ vì cùng một chữ director. Bộ phim hẳn hoi thì bị dịch thành “nơi vở kịch được quay trong một phòng thu” (trang 258). Bộ phim thì mới “được quay” và nếu quay thì ở xưởng phim/ trường quay chứ không phải là “phòng thu” như phòng thu thanh hoặc thu hình. Cũng sai như thế, quay cận cảnh bộ phim bị dịch thành “chụp cận cảnh” như chụp ảnh (trang 266).

Tạm dẫn thêm một vài trong nhiều cái sai: chỉ có một người (aunt) mà câu trước dịch là “dì”, câu sau dịch là “cô” (trang 291). Chữ He và She khi dịch ra, ngôi trần thuật thường là ông, chú, anh/ bà, chị, cô… Nhưng người dịch lạm dụng chữ “ấy/ta” nên nhan nhản cách gọi “ông ấy, anh ấy, bà ấy, cô ấy/cô ta”. Dịch như vậy là máy móc, rườm rà, và đẩy nhân vật ra xa văn cảnh.

Hoặc sai về cách chỉ thời điểm: “trong những năm 1978” (trang 300). Chỉ có thể nói “những năm 1970” để chỉ khoảng thời gian từ 1970 đến 1979, còn năm 1978 thì chỉ có một mà thôi.

   Còn có rất nhiều câu dịch vụng và lủng củng như thế này: “Tôi lại nghĩ về bản ngã phiên bản tóc đỏ của cô ấy”, “với mỗi cảnh của một nhân chứng làm chứng” (trang 322), “Khi các máy quay bấm máy” (trang 324).

“Những báo cáo trước kia… chỉ ra rằng đó là một đoàn làm phim có thế lực” (trang 334). Trong văn cảnh đề cập dư luận về một bộ phim thì chữ “báo cáo” này thực ra là “bản tin” trên báo chí, và chữ “thế lực” cũng là dịch sai, chẳng có thế lực gì, đó chỉ là một đoàn làm phim mạnh.

Hồ Anh Thái

------

* Meryl Streep nữ hoàng không ngai, Michael Schulman, Thủy Tiên dịch, AZ Việt Nam và NXB Thế Giới 2018.