Công khai, minh bạch trong hoạt động quyên góp

- Thứ Hai, 15/08/2022, 06:20 - Chia sẻ

Điều 39, dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (được Bộ Nội vụ đăng tải và lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử) tập trung vào các vi phạm quy định về quyên góp.

Theo đó:

1. Cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây: a) Thực hiện không đúng văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Không có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch đối với các khoản quyên góp đã thu được.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thông báo hoạt động quyên góp đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Tái phạm một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng danh nghĩa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để quyên góp nhằm trục lợi.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc công khai, minh bạch các khoản quyên góp đối với hành vi vi phạm và hành vi tái phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Thực tế, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo thực hiện rất tốt công tác từ thiện xã hội. Nguồn kinh phí được quyên góp từ các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng như cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, việc quyên góp mang tính chất tự phát và thường không thông báo với cơ quan có thẩm quyền, việc thu, chi cũng ít khi được cập nhật đầy đủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, trong giáo lý, giáo luật của các tôn giáo nói chung đều hướng tới phục vụ con người, lan tỏa giá trị chân - thiện - mỹ trong đời sống xã hội. Hoạt động từ thiện xã hội là nhu cầu tự thân, gắn bó đạo - đời của các tôn giáo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực tế là hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo ở góc độ nhất định đã góp phần chia sẻ gánh nặng với Nhà nước. Vì vậy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện đã được xác định là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hoạt động từ thiện của tôn giáo hiện vẫn còn hạn chế như việc quyên góp, huy động sự đóng góp của nhân dân quá nhiều, việc thu chi chưa thực sự công khai, minh bạch. Vấn đề xử phạt vi phạm quy định về quyên góp liên quan đến tổ chức tôn giáo được dự thảo Nghị định đặt ra là phù hợp và khả thi với hai lý do.

Thứ nhất, vấn đề từ thiện xã hội, hoạt động quyên góp của cá nhân, tổ chức tôn giáo đã được quy định tại Điều 55, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 19 Nghị định 162/2017/NĐ-CP, những hành vi vi phạm tại Điều 55, Điều 19 sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, khi vấn đề xử phạt vi phạm quy định về quyên góp liên quan đến tôn giáo có hiệu lực sẽ thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tôn giáo trong thực hiện đúng quy định của pháp luật khi tổ chức các hoạt động quyên góp, hoạt động từ thiện xã hội; hạn chế tối đa việc làm tự phát của các tổ chức tôn giáo như thời gian qua, tạo sự công khai, minh bạch và uy tín cho tổ chức tôn giáo trong hoạt động quyên góp nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động từ thiện xã hội.

Ng. Phương