Giữ hồn làng qua các đạo sắc phong

Bài cuối: Hồi hương những mảnh hồn làng

- Thứ Ba, 30/08/2022, 08:16 - Chia sẻ

Trước nạn mất cắp và buôn bán đạo sắc phong, vẫn có nhiều người tâm huyết bỏ công sức, tiền của tìm lại đạo sắc phong trả về đúng quê hương bản quán. Đó không chỉ là trách nhiệm của thế hệ hôm nay mà còn là tình cảm thể hiện sự trân trọng về văn hóa lịch sử của cha ông ta với công việc "hồi hương những mảnh hồn làng".

Hành trình “châu về hợp phố”

Đạo sắc phong là cổ vật có giá trị cao được giới sưu tầm “săn lùng” trong những năm qua. Xót xa trước những giá trị quý báu bị tản mác, trở thành hàng hóa, nhóm “Nhân sĩ Hà Đông” đã tìm cách sưu tầm, thuê dịch hàng trăm sắc phong, hợp tác với chuyên gia phân loại, liên hệ về địa phương bị mất và trả lại.

Theo chân nhóm “Nhân sĩ Hà Đông” về làng Hậu Xá (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của người dân nơi đây khi đình làng Hậu Xá vừa đón về 4 đạo sắc phong thất lạc. Cụ thủ từ đình Đặng Văn Thao xúc động nói: “Bao năm nay kể từ ngày đình mất sắc phong, nhân dân đã tìm kiếm khắp nơi mà vô vọng. Từ khi nhóm “nhân sĩ Hà Đông” thông báo về sự tồn tại của 4 đạo sắc phong, địa phương tổ chức lễ rước, chúng tôi như trút bỏ được tâm tư dằn vặt bấy lâu nay. Từ nay, đình làng đã tìm lại được hồn, văn hóa địa phương đã có xác tín về nguồn cội”.

Bảo vệ đạo sắc phong: Trách nhiệm, và văn hóa ứng xử đẹp -0
Nhóm nhân sĩ Hà Đông với các đạo sắc phong quý giá được tìm thấy

Đến nay, nhóm “Nhân sĩ Hà Đông” đã dâng trả lại hơn 200 đạo sắc phong mà mình đang lưu giữ về đúng địa chỉ thờ tự; trong đó Hà Nội là địa phương được trả lại nhiều đạo sắc phong nhất. Việc sưu tầm đạo sắc phong là một công việc khó, tốn sức, tốn tiền bạc, việc tìm hiểu nguồn gốc của cổ vật này lại càng khó khăn hơn. Nhiều lúc nhóm “Nhân sĩ Hà Đông” phải thuê người dịch lại đạo sắc phong với giá 2 triệu đồng/bản, với mong muốn tìm ra nguồn gốc của đạo sắc phong để trả lại đúng quê hương bản quán.

Kể về hành trình gian nan tìm kiếm và trao trả đạo sắc phong, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đại diện nhóm “Nhân sĩ Hà Đông” tâm sự: “Hầu hết, những nơi mất sắc phong đều rơi vào những trường hợp: Không có khả năng đi tìm, chấp nhận bỏ rất nhiều tiền để chuộc lại và cũng có những làng quê nghèo, họ thật lòng không muốn nhận vì sợ giữ ở đình làng tiếp tục mất trộm lại mang tội. "Nhóm chúng tôi gồm có 7 người, hầu hết làm văn chương, nghệ thuật, một vài người là doanh nhân và tự ý thức được mình không đủ sức làm một việc lớn như thế suốt quá trình lâu dài nên chúng tôi đưa lên Facebook, kêu gọi ai đang giữ sắc phong hoặc hãy dâng tặng, hoặc trước đây mua bao nhiêu thì để lại giá ấy cho dân làng. Một số người buôn bán, sưu tập đã trao trả, nhiều nhà nghiên cứu cũng vào cuộc dịch công đức. Nhóm chúng tôi nhận nghĩa vụ kết nối, làm việc với địa phương để trao trả lại bằng nghi lễ long trọng về văn hóa, tinh thần. Nơi nào không có kinh phí, chúng tôi cùng chung tay hỗ trợ”.

Với tâm nguyện không để “chảy máu” đạo sắc phong, 12 năm qua, nhóm Tâm Phát cũng đã nỗ lực tìm kiếm, mua lại và dịch thuật nhiều sắc phong thất lạc đưa trở về quê hương. Được biết, từ 5 thành viên ban đầu, giờ nhóm Tâm Phát có cả trăm thành viên, cộng tác viên trên phạm vi cả nước, đã góp phần tìm kiếm, trả lại hơn 200 đạo sắc phong về đúng nguồn gốc. Cô giáo Hồ Hải Hà, thành viên nhóm Tâm Phát cho biết: “Những ngày đầu nhóm chỉ có vài chị em tìm tòi, mua lại sắc phong về tự dịch, tự tìm địa phương bị thất lạc sắc phong để về tận nơi gặp gỡ, xác minh và trao trả. Được sự quan tâm của nhiều người, trong đó đặc biệt là cộng đồng mạng, đã giúp nhóm Tâm Phát chia sẻ, tra cứu địa danh. Thành viên Tâm Phát hiện bao phủ khắp Bắc-Nam, nhiều người đã chủ động tìm đến để xin góp sức”.

Trong hành trình “hồi hương” những sắc phong không thể tránh khỏi chuyện này chuyện kia và vì thế nhóm Tâm Phát đều rất cẩn trọng trong các hoạt động vận động, tuyên truyền và thông tin đối với nhân dân. Cô giáo Hồ Hải Hà mong ước: “Còn rất nhiều địa phương chúng tôi đã về tận nơi để xác minh, song không hiểu lý do gì mà họ không có phản hồi để đón nhận sắc phong. Tôi mong rằng, ngày càng có nhiều người quan tâm đến sắc phong hơn để từ đó mỗi địa phương, người dân đều nêu cao trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản văn hóa này”.

Đánh giá về việc bảo quản, giữ gìn đạo sắc phong, GS. Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết: “Thực trạng mất cắp cổ vật nói chung và sắc phong nói riêng đã xuất hiện từ lâu. Điều tôi lo lắng không chỉ là nạn trộm cắp, mà có những ai đó đã đánh tráo giữa cổ vật, sắc phong thật và giả. Chuyện nhóm Tâm Phát và “Nhân sĩ Hà Đông” sưu tầm, vận động trả lại sắc phong cho quê hương bản quán là điều đáng mừng, giống như “châu về hợp phố”. Để tránh chuyện mất cắp, tôi cho rằng ngoài việc nâng cao nhận thức người dân thì cần phải đề cao trách nhiệm của những người thực thi pháp luật về di sản văn hóa”.

Cách nào bảo vệ đạo sắc phong?

Liên tục mất đạo sắc phong trong nhiều năm từ khắp các khu di tích tâm linh tín ngưỡng, chính vì vậy mà nhiều nơi đã cẩn thận cất thật kĩ. Điển hình như đình Yên Bình, thôn Yên Bình, huyện Gia Lâm, Hà Nội, những sắc phong vua ban cho ngôi đình có dấu triện được nhà đình cất giữ cẩn thận, chỉ đem trưng bày những bản photo. Vào những ngày lễ lớn như hội đình, hội làng thì những bản sắc phong nguyên gốc ấy mới được trưng bày cho mọi người chiêm bái. Hiện tượng này xảy ra ở hầu khắp các ngôi đình, đền. Nhưng theo nhiều chuyên gia thì việc cất bản gốc của sắc phong đi mà chỉ treo bản photo thì không còn giá trị lịch sử và giá trị tinh thần. Giải pháp mỗi năm một lần hội làng, hội đình, mới đem ra trưng bày là việc bất đắc dĩ.

Bảo vệ đạo sắc phong: Trách nhiệm, và văn hóa ứng xử đẹp -0
Các sắc phong cổ được cất giữ trong hộp gỗ sơn 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong những lần trả lại sắc phong cho các làng quê cũng thường nhấn mạnh: “Khi chúng tôi mang sắc phong về, tại địa phương sẽ có sự chuẩn bị một lễ đón nhận, không nên cầu kỳ nhưng cần sự có mặt của ban quản lý di tích, đại diện chính quyền và người dân. Để chúng ta cùng nói với nhau về giá trị của di sản sắc phong, cùng cam kết về trách nhiệm gìn giữ, về việc tôn vinh lâu dài bản sắc phong đó trong đời sống cộng đồng, coi đó như một nét đẹp truyền thống, niềm tự hào của địa phương”. Còn Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan (công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) gợi ý: “Trước khi trả về địa phương, nhóm nên tổ chức số hóa các bản sắc phong để lưu giữ tư liệu lâu dài, phục vụ cho người quan tâm thưởng lãm, nghiên cứu, là cơ sở quan trọng để địa phương sửa chữa, phục chế sau này. Tôi sẽ sẵn sàng kết nối với đơn vị chuyên trách và có thiết bị chuyên dụng để scan miễn phí các đạo sắc”.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GS.TS Trương Quốc Bình nhấn mạnh, mất cắp các đạo sắc phong hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự manh động và bất chấp của một số thành phần xấu trong xã hội. Chuyện mất cổ vật, trong đó có đạo sắc phong ở trong các đình, đền, chùa diễn ra khá nhiều nhưng mà chế tài xử phạt khá nhẹ so với các hình phạt khác. Trong lĩnh vực Di sản văn hóa, Luật có quy định nhưng thực tế thì chưa đi vào cuộc sống.

Theo nhà khảo cổ học, PGS, TS Nguyễn Lân Cường, nếu tình trạng “chảy máu” đạo sắc phong không sớm được ngăn chặn thì đạo sắc phong Việt Nam dù có phong phú, đa dạng đến mấy rồi cũng bị mất hết. Ðiều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa, lịch sử của nước ta.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Ðình Thành cho rằng, vấn đề cảnh báo thực trạng “chảy máu”, mất cắp cổ vật, trong đó có đạo sắc phong tại di tích đã liên tục được Cục Di sản văn hóa nhắc nhở các địa phương, bằng nhiều hình thức. Trên thực tế, tại nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp để tổ chức bảo vệ. Một số di tích đã đưa các cổ vật đặc biệt giá trị vào hậu cung, hoặc có các thùng, két để bảo vệ. Bên cạnh đó là các biện pháp phân công, tăng cường trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng liên tục được tăng cường. Tuy nhiên, để phòng kẻ gian vẫn là vấn đề nan giải, đòi hỏi các địa phương, Ban Quản lý các di tích luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác.

Để bảo vệ các đạo sắc phong ở di tích thì chỉ thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo thôi chưa đủ, phải tính đến các phương án bảo vệ, đặc biệt là việc kiểm kê di tích tại các địa phương. Qua đó, những đạo sắc phong được đăng ký, kiểm kê sẽ có các số liệu, hình ảnh tạo cơ sở tìm lại khi bị thất thoát hay đánh cắp. Thực tế, nhiều di tích vừa “hồ sơ hóa” đạo sắc phong, vừa có thiết bị báo trộm, nhưng kẻ gian vẫn lấy được. "Nếu quản lý lỏng lẻo, không tiến hành các biện pháp như “hồ sơ hóa”, đi cùng các giải pháp phân công phối hợp, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị chức năng thì sẽ rất khó nói những gì sẽ xảy ra", ông Thành nhấn mạnh.

Còn TS. Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội) thì phần lớn người trông coi tại các di tích hiện nay chủ yếu là các bậc cao niên, đội ngũ tự quản. Vì vậy, việc trông coi, bảo vệ di tích chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa phù hợp với hiện trạng các di tích cần được trông coi, bảo vệ hiện nay. Có thể nói rằng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra việc mất cắp đạo sắc phong chưa được Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật quy định rõ ràng. Và thực tế tại một số huyện đã có chính sách hỗ trợ cho người trông coi, bảo vệ di tích, nhưng số lượng hỗ trợ rất nhỏ, chưa bảo đảm. Do đó, để làm tốt công tác quản lý, hạn chế việc mất cắp và bảo vệ đạo sắc phong tại các di tích, hằng năm Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản và chủ động phối hợp với UBND các, quận, huyện, thị xã, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ; bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các công việc như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò gương mẫu trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa tuân thủ các quy định về di sản văn hóa như Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý và bảo vệ di tích của Thành phố cũng như tăng cường lực lượng tham gia Tiểu ban quản lý di tích cơ sở vì thành phần tham gia bảo vệ di tích là những cán bộ về hưu, các cụ phụ lão hoạt động theo chế độ tự nguyện hoặc kiêm nhiệm.

NGUYỄN THẢO-HOÀI PHƯƠNG-PHƯƠNG NGUYÊN
#