Tản mạn

Tỉnh thức

- Thứ Năm, 26/05/2022, 06:00 - Chia sẻ

"Tỉnh ngộ” có lẽ là thứ mà tôi nghĩ những người làm điện ảnh Việt Nam lúc này cần nhất, để không phải chìm mãi vào sự hư vô.

1. Điện ảnh có thể "chạm" vào ta theo cách nào? Đó có thể là một buổi tối Hà Nội mưa lướt thướt kéo dài cả ngày, và tôi cứ nghĩ khán giả sẽ không đến. Nhưng đến sát giờ chiếu thì phòng cinema 250 chỗ ngồi của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia gần như kín chỗ. Và khán giả của Liên hoan Phim châu Âu tại Hà Nội năm nay đã không phí công khi được thưởng ngoạn "Và chúng ta từng khiêu vũ" (And Then We Danced), một tác phẩm điện ảnh đẹp thực sự, chạm vào từng giác quan. Một bộ phim mà dù đã xem hai lần trước đó, tôi chỉ thực sự được "chạm" một cách sâu sắc nhất khi thưởng thức nó tại phòng chiếu.

Liên hoan Phim châu Âu năm nay cũng có một cú "chạm" đáng giá khác nữa: "Tuyết sẽ không bao giờ rơi nữa" (Never Gonna Snow Again), bộ phim của điện ảnh Ba Lan từng tranh giải Sư tử vàng tại Liên hoan Phim Venice năm 2020 và đại diện cho điện ảnh nước này đề cử Oscar Phim quốc tế hay nhất, là một bộ phim luận về sự sống và cái chết, về sự cứu chuộc và xoa dịu khỏi những tổn thương và mất mát dường như không thể tránh khỏi của cuộc đời mỗi con người. Đó là một tác phẩm điện ảnh đẹp một cách nhức nhối và như được "vẽ" bằng ánh sáng qua những góc máy điêu luyện của Michał Englert. Vì sự đồng sáng tạo xuất sắc này, anh đã được nữ đạo diễn Małgorzata Szumowska đề nghị đứng chung danh đề đạo diễn của bộ phim. 

Pha trộn nhuần nhuyễn và tinh tế giữa kỳ ảo và châm biếm nhẹ nhàng, "Tuyết sẽ không bao giờ rơi nữa" đã "chạm" đến chúng ta theo một cách mà ta không ngờ đến, và khiến ta vẫn muốn cất tiếng hoan ca cuộc sống. 

2. Ngược lại, mọi nỗ lực và tâm huyết của bạn đều vô nghĩa nếu làm ra một bộ phim dở. 

Không khán giả nào muốn nghe bạn giải thích thủ pháp và ý đồ nghệ thuật, sự đam mê và hy sinh nọ kia, nếu thứ trưng lên màn ảnh là những thứ giả, vụng và ngây ngô, từ đầu đến cuối.

Tôi chỉ không hiểu tại sao đến bây giờ, người ta vẫn bỏ tiền tỷ, thậm chí vài chục tỷ để làm những bộ phim như vậy, để rồi phải nuốt hận đắng cay khi phim làm ra không ai xem. Có lẽ, điện ảnh là bộ môn nghệ thuật và giải trí tạo ra nhiều ảo tưởng và vĩ cuồng nhất.

Tôi nhớ nhà văn người Pháp gốc Việt vừa tạ thế - Linda Lê có một truyện ngắn có tên là "Tiếng ngoài hình”. Một câu chuyện khiến tôi phải rùng mình khi đọc hơn 10 năm trước trong tập "Lại chơi với lửa”. Một truyện ngắn sắc lạnh như dao lam mà tôi nghĩ ai đó lỡ say mê mà muốn làm nghệ thuật nói chung, hay điện ảnh nói riêng, hãy đọc, từng chữ một, cho tỉnh ngộ. 

Truyện ngắn đó có dẫn một câu thoại mà nhân vật nữ chính (trong truyện) mượn lại của nhân vật nữ chính (Jean Seberg) trong bộ phim mở đầu cho Làn sóng mới của điện ảnh Pháp: “Breathless” của Jean - Luc Godard. Và câu thoại đó, thực ra là mượn lại từ một câu nói nổi tiếng của nhà văn người Mỹ William Faulkner: “Giữa khổ não và hư vô, tôi chọn khổ não”. Một câu thoại khiến nhân vật nữ chính ấy tỉnh ngộ, khỏi một cơn mê lú đằng đẵng của những ảo tưởng, vĩ cuồng và hư danh trong thứ hào quang giả tạo được gọi là điện ảnh.

"Tỉnh ngộ” có lẽ là thứ mà tôi nghĩ những người làm điện ảnh Việt Nam lúc này cần nhất, để không phải chìm mãi vào sự hư vô.

Lê Quân