Tên gọi Hồ Chí Minh có từ bao giờ?

- Thứ Tư, 01/09/2010, 00:00 - Chia sẻ
Trước khi trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua 28 tháng trên đất nước Trung Quốc và tên gọi Hồ Quang, Hồ Chí Minh gắn liền với hành trình lịch sử này.

04-ten-goi-24410-180.jpgCuối năm 1942, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II chuyển sang bước ngoặt mới đã phân chia thành hai chiến tuyến giữa phát xít và đồng minh. Nhận thấy vận mệnh của một dân tộc phải gắn liền với thế giới, phải có sự liên minh quốc tế, trước mắt cần liên minh với người bạn láng giềng Trung Quốc để chống phát xít, Nguyễn Ái Quốc quyết định đi công tác nước ngoài. Ngày 27.8.1942, trên đường đến xã Túc Vinh, Quảng Tây, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã bị tuần cảnh ở trụ sở xã của Quốc dân Đảng bắt giữ. Khi kiểm tra giấy tờ tùy thân, có giấy giới thiệu Phân hội Việt Nam của Hiệp hội quốc tế phản xâm lược, thẻ thông tấn viên đặc biệt của Quốc tế văn xã; giấy thông hành quân dụng của văn phòng Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp... Tất cả giấy tờ đều mang tên Hồ Chí Minh được cấp từ năm 1940, nay đã hết hạn sử dụng. Chúng nghi Người là gián điệp bèn bắt giải lên Tĩnh Tây nộp cho văn phòng Quế Lâm của Ủy ban quân sự chính phủ Quốc dân Đảng để điều tra xét hỏi vì một người Việt Nam có nhiều giấy tờ quan trọng do Trung Quốc cấp là đáng khả nghi.

Trở lại những năm trước đó, trước khi Người được cấp những loại giấy tờ tùy thân trên. Qua một thời gian khoảng 8 năm Nguyễn Ái Quốc phải kiên trì chịu đựng vượt qua những khó khăn phức tạp trong “tình trạng không hoạt động, và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài Đảng” (thư Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế cộng sản ngày 6.6.1938), cuối tháng 9.1938, Nguyễn Ái Quốc được nữ đồng chí Vaxiliepva và đồng chí Manuinxki giúp đỡ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đó đến tháng 1.1941 - ngày trở về Pác Pó, Nguyễn Ái Quốc trải qua 28 tháng trên đất nước Trung Quốc và tên gọi Hồ Quang, Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc hành trình lịch sử này.

04-ten-goi-24410-300.jpg

Ngày 29.9.1938, Nguyễn Ái Quốc rời Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, lên xe lửa tuyến Moscow - Nôvôxibiêcxcơ rồi chuyển hướng về phía nam, vượt biên giới Xô  - Trung vào Urumsi (Tân Cương, Trung Quốc). Các đồng chí Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bát lộ quân nhận được chỉ thị đón một cán bộ quan trọng của Quốc tế cộng sản đi qua, chuẩn bị cho đồng chí ấy một chứng minh thư Giải phóng quân Trung Quốc với tên Hồ Quang cấp bậc thiếu tá - người đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Với bí danh Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đến Trùng Khánh, ở và công tác tại văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh. Người ở trong một gian buồng nhỏ tầng trên của văn phòng, kề vách nơi phòng ở của đồng chí Chí Quang, trong bộ phận làm việc có hai người giống tên nhau, để thuận tiện trong xưng hô, sinh hoạt, thường gọi vui nhau bằng tên gọi gắn với nét đặc trưng, Hồ Quang có trán cao, nên mọi người thường gọi vui là “Quang hói”. Có lẽ tên gọi Hồ Quang, Chí Quang có mối liên hệ về ngữ nghĩa với tên gọi Hồ Chí Minh sau này.

Thời kỳ cuối những năm 1930-1940, là thời gian Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai. Tuy là hợp tác để đánh Nhật, nhưng người của “vùng đỏ” (thuộc địa phận quản lý của Đảng Cộng sản) vào “vùng trắng” thuộc địa phận quản lý của Quốc dân Đảng, mặc dầu mang đủ loại giấy tờ của Bát lộ quân vẫn bị gây nhiều khó khăn. Với chứng minh thư thiếu tá Hồ Quang do Bát lộ quân cấp khi đi qua “vùng trắng” thường bị kiểm tra, gây khó dễ. Do đó vào năm 1940 để thuận tiện cho việc đi lại trong vùng Quốc dân Đảng kiểm soát, Nguyễn Ái Quốc đã dùng giấy tờ tùy thân do Quốc dân Đảng cấp, tất cả mang tên mới là Hồ Chí Minh.

Hiện nay chúng ta được biết, trong cuộc đời 79 mùa xuân của mình, Hồ Chí Minh đã dùng trên 180 bút danh, bí danh và mật danh khác nhau. Bí danh Hồ Chí Minh xuất hiện từ năm 1940, dần trở thành chính danh luôn đi liền với tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vang vọng khắp năm châu.

Bá Ngọc