Kiến giải mới về kiến trúc một cột chùa Diên Hựu

- Thứ Sáu, 11/05/2012, 07:49 - Chia sẻ
Tại buổi thuyết trình chủ đề Từ thế giới quan Phật giáo khảo về kiến trúc mandala chùa Diên Hựu vào thời Lý, diễn ra ngày 10.5 tại Hà Nội, TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận định, khu vực hiện hữu kiến trúc Liên Hoa đài - chùa Một Cột hiện nay từng là một quần thể kiến trúc lớn với nhiều tầng lớp, trong đó Liên Hoa đài là trung tâm, được xây dựng mô phỏng thế giới quan Phật giáo.


Ảnh: An Văn Đăng

Từ trước đến nay, người ta vẫn biết đến chùa Một Cột như biểu tượng của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trong mấy chục năm trở lại đây, rất nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, phục dựng, cũng như giải mã biểu tượng chùa Một Cột. Tuy nhiên, TS Trần Trọng Dương cho rằng, khái niệm về chùa Một Cột cần phải thảo luận lại. Theo Ts Trần Trọng Dương, vào năm 1954, khi giải phóng Thủ đô, một nhóm người đã đặt mìn phá hủy chùa. Đến năm 1955, nhà nước ta cho xây dựng lại chùa với hình dáng như hiện nay. Hình dáng hiện có của chùa Một Cột được tiếp thu từ những nghiên cứu, phục dựng của người Pháp đầu thế kỷ XX. Như thế, cái chúng ta thấy bây giờ chỉ là những hình ảnh phục dựng rất gần đây. TS Trần Trọng Dương đặt ra nghi vấn, tên gọi chùa Một Cột có đúng không và khái niệm một cột có áp dụng được cho kiến trúc này?

Trong lịch sử nước ta có hai ngôi chùa một cột, Nhất Trụ Tự ở Hoa Lư, Ninh Bình và chùa Một Cột ở Hà Nội. Một cột đem lại hai suy nghĩ khác nhau: ngôi chùa được xây trên một cột hay trong chùa có một cột? Theo GS Hà Văn Tấn, chùa ở Hoa Lư sở dĩ có tên Nhất Trụ Tự bởi trong chùa có một cột kinh bằng đá do vua Lê Hoàn dựng. Chùa Một Cột ở Hà Nội là kiểu kiến trúc có điện ở trên, trong thờ Phật và toàn bộ kiến trúc này được dựng trên một cột. Điều đó giải thích rằng, tên chùa Một Cột chỉ là cách gọi nôm na của dân gian.

Với quan điểm khi nghiên cứu bất kỳ vấn đề văn hóa nào trong lịch sử cũng cần định hướng, tìm được khái niệm do chính chủ thể văn hóa đặt tên và đặt trong bối cảnh lịch sử, văn hóa của nó, qua các tư liệu, sử liệu, bia ký, TS Trần Trọng Dương khẳng định, kiến trúc một cột có tên gọi là Liên Hoa đài. Về mặt ý nghĩa, biểu tượng của Liên Hoa đài từ trước đến nay có khá nhiều cách lý giải khác nhau như: biểu tượng của văn hóa phồn thực, kiến trúc dạng tháp hay biểu tượng kinh tràng của Phật giáo Mật tông... Tuy nhiên, TS Trần Trọng Dương cho rằng, hoa sen là biểu tượng của Phật giáo mà kiến trúc một cột trên có điện thờ Phật là mô hình của một bông sen mỹ thuật khổng lồ. Đây chính là biểu tượng vĩ đại của hoa sen đặt trong bối cảnh văn hóa Phật giáo. Như vậy, qua các cứ liệu lịch sử có thể thấy, kiến trúc Liên Hoa đài đang hiện hữu không phải là chùa. Điều này đồng thời cũng xóa đi sự hiểu nhầm rằng chùa Một Cột và chùa Diên Hựu là hai đơn vị kiến trúc khác nhau, mà thực ra kiến trúc một cột nằm trong tổng thể của kiến trúc chùa Diên Hựu. Nhà nghiên cứu Lê Văn Cương (Viện Mỹ thuật VN) lý giải thêm, xưa nay kiến trúc chùa bao giờ cũng gồm tam tòa chứ không thể chỉ có một đài - Liên Hoa đài, mà thành chùa được. Và như thế, giả thiết về kiến trúc một cột nằm trong tổng thể kiến trúc chùa Diên Hựu là hoàn toàn chấp nhận được.

Đặc biệt, qua nghiên cứu văn bia chùa Đọi, văn bia cổ cùng thời vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Liên Hoa đài, cho thấy nơi đây từng là một quần thể kiến trúc rộng lớn với nhiều tầng lớp. Trong đó, kiến trúc Liên Hoa đài là trung tâm của đàn tràng. Đàn tràng theo tiếng Phạn là mandala, là nơi diễn ra các nghi lễ cúng giàng Phật giáo, đặc biệt là của Phật giáo Mật tông. Ngoài ra, mandala cũng là một loại đồ hình của kiến trúc thời cổ, biểu hiện của tư duy Phật giáo về thế giới, đặt trong một không gian ba chiều, áp dụng cho việc xây dựng các cung điện, chùa, tháp... Qua đó có thể nhận định rằng, Liên Hoa đài ở chùa Diên Hựu đời Lý là một dạng kiến trúc mô phỏng thế giới quan Phật giáo. Liên Hoa đài có thể coi như biểu tượng về mặt kiến trúc của một đóa sen nghệ thuật khổng lồ, trong đó đài sen tượng trưng cho núi Tu Di, các vòng ao tương ứng với cửu sơn, bát hải, tượng trưng cho một thế giới an lạc.

Dẫu giả thiết mới về kiến trúc một cột của chùa Diên Hựu nhận được nhiều ý kiến đồng tình, nhưng để làm sáng rõ, đem lại những nhận thức mới về mỹ thuật, kiến trúc cũng như văn hóa, lịch sử thời Lý, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận dựa trên những cứ liệu lịch sử.

Cao Sơn