Biểu tượng là một phần văn hóa và làm nên văn hóa

- Thứ Sáu, 30/01/2015, 08:48 - Chia sẻ
Các ký hiệu hình thành nên ngôn ngữ biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng chính là sự biểu đạt của văn hóa. Tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng chính là tìm hiểu đời sống văn hóa xã hội loài người.

Khoa học nghiên cứu biểu tượng du nhập vào Việt Nam từ hơn 100 năm qua theo hướng tiếp cận hàn lâm của phương Tây. Cho đến nay, các nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam trên bình diện văn bản học (như văn học, sử học, triết học, ngôn ngữ học...) đã đạt nhiều thành tựu, trong khi nghiên cứu biểu tượng (trên nền tảng ký hiệu học, nhân học, nghệ thuật học...) dường như vẫn bỏ trống với số lượng công trình nghiên cứu ít ỏi. Thậm chí trong số những nghiên cứu ít ỏi đó, chưa công trình nào thực sự đặt nền móng cho một bộ môn khoa học có tên gọi nghiên cứu biểu tượng.

Cách đây hơn 10 năm, Ts Đinh Hồng Hải, Viện Khoa học Văn hóa đã tiến hành nghiên cứu biểu tượng. Kết quả là cuốn sách Nghiên cứu biểu tượng: một số hướng tiếp cận lý thuyết xuất bản cuối tháng 12.2014. Qua cuốn sách, tác giả mong muốn giúp các nhà nghiên cứu văn hóa và người Việt Nam hiểu về những biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt, từ đó biết cách bảo tồn và phát huy giá trị biểu tượng trong cuộc sống đương đại.

Biểu tượng bao gồm mọi dạng thức hình ảnh tác động chủ yếu đến thính giác và thị giác gây cho con người những rung động, cảm xúc theo mức độ khác nhau. Biểu tượng có mặt trong hầu hết biểu hiện của đời sống từ tôn giáo, nghệ thuật, chính trị, văn hóa - xã hội...  Biểu tượng cho một nền văn hóa bao hàm đặc trưng văn hóa dân tộc. Ts Đinh Hồng Hải lấy ví dụ: “Như ở Singapore, khi tìm biểu tượng cho đất nước này, có rất nhiều ý kiến khác nhau, từ chim muông, cây cỏ... Sau đó họ đã tìm được linh vật là con thú đầu sư tử mình cá đang cưỡi trên sóng và đến nay trở thành biểu tượng du lịch nổi tiếng của Singapore”.

 

Trong sách Lịch sử Việt Nam của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh, xuất bản năm 1955, chương 3 (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, người Lạc Việt), viết: “Tìm ý nghĩa chữ Lạc tức là tên thị tộc của người Lạc Việt, chúng ta thấy các thị tộc ở xã hội nguyên thủy thường lấy tên vật tổ mà tự đặt tên. Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim mà chúng ta hình dung trên trống đồng Ngọc Lũ”. Điều đó giải thích cho ý nghĩa của biểu tượng chim lạc khi nói về nguồn gốc người Việt, hay hình ảnh rồng biểu tượng cho quyền uy tối cao; rùa biểu tượng cho sự trường tồn, phúc thọ; bồ câu biểu tượng cho hòa bình; hoa sen biểu tượng cho sự thanh cao…

Tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam năm 2003, trâu vàng đã được chọn làm linh vật cho sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Ban tổ chức SEA Games 22 cho rằng: với bản chất hiền lành, hòa đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (Kim Ngưu) còn gắn với sự tích Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội, tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt. Tuy nhiên, do trình độ hội họa và trình độ tuyển chọn, thật sự chúng ta chưa có được logo đẹp để trở thành biểu trưng dân tộc Việt thời hiện đại.

Theo tinh thần đó, biểu tượng tồn tại trong lòng cộng đồng và trong mỗi thành viên cộng đồng đó. Biểu tượng buộc người ta thừa nhận nó nếu như muốn tồn tại và mỗi thành viên sẽ là người tự nguyện chấp nhận nó, bởi nó luôn chứa đựng những giá trị và diễn đạt được mong muốn cũng như khát vọng của mọi thành viên trong cộng đồng. Biểu tượng luôn mang xã hội tính vì nó có sức mạnh liên kết xã hội, kêu gọi ý thức cộng đồng. “Để có thể nắm bắt một cách đầy đủ và chuẩn xác về bản sắc của một nền văn hóa, chúng ta không chỉ thông qua một vài biểu tượng đơn lẻ, mà phải nghiên cứu một cách nghiêm túc toàn bộ hệ thống biểu tượng truyền thống từ trong các huyền thoại, lễ hội, văn hóa và nghệ thuật dân gian cho đến các khuôn mẫu ứng xử…”.

Hương Sen