Hội thảo Văn hóa 2022

Toàn diện, thẳng thắn, thiết thực

- Thứ Hai, 19/12/2022, 07:14 - Chia sẻ

Chủ đề Hội thảo Văn hóa 2022 được đánh giá ngắn gọn và súc tích, song bao trùm các khía cạnh khác nhau đối với phát triển văn hóa. Mong muốn, kỳ vọng có thể còn nhiều, nhưng mỗi đại biểu tham dự Hội thảo ở vị trí, lĩnh vực công tác của mình đều thấy thiết thực, người làm nghề thì có niềm tin...

ĐBQH ĐÀO CHÍ NGHĨA, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP. Cần Thơ:
Thể chế hóa chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Toàn diện, thẳng thắn, thiết thực

Hội thảo được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, có sự tham dự của nhiều đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, tổ chức, doanh nghiệp… khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, qua các ý kiến tại Hội thảo cũng như trong thực tiễn cho thấy, văn hóa là lĩnh vực còn nhiều vấn đề cần được thể chế hóa, đặc biệt là chính sách cho bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Với Cần Thơ, điều chúng tôi quan tâm hiện nay là chính sách bảo tồn, phát huy giá trị đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cần Thơ đang có gần 300 câu lạc bộ đờn ca tài tử, song số thành viên dưới 18 tuổi tham gia các câu lạc bộ khá khiêm tốn. Nhu cầu giải trí ngày nay rất phong phú và đa dạng, giới trẻ đa phần thích tân nhạc, đờn ca tài tử ngày càng ít người thưởng thức.

Chúng tôi đang chú trọng các giải pháp tăng số lượng nghệ nhân truyền dạy, cùng các nhà trường trên địa bàn thành phố xây dựng các tiết dạy; tăng cường hoạt động giao lưu, khuyến khích các địa phương quan tâm, hỗ trợ đưa đờn ca tài tử biểu diễn tại các điểm, khu du lịch, vừa quảng bá đến du khách, vừa tạo sân chơi, tăng thu nhập cho nghệ nhân và tạo sức lan tỏa cho loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nỗ lực từ địa phương. Chúng tôi mong muốn có sự quan tâm về thể chế mang tầm quốc gia cho đờn ca tài tử nói riêng, các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung.

Tôi kỳ vọng sau Hội thảo sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chúng ta giữ gìn và phát huy được những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc, trong đó có di sản đờn ca tài tử.

ĐBQH TRẦN THỊ THU ĐÔNG, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam:
Phân tích toàn diện, thẳng thắn

Toàn diện, thẳng thắn, thiết thực

Những bài phát biểu chỉ đạo, những tham luận phân tích toàn diện, thẳng thắn về các vấn đề ở tầm vĩ mô, bổ ích cho những người tham dự Hội thảo, như định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa; kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa… Đặc biệt, có cả kinh nghiệm quốc tế cũng như các địa phương làm tốt chính sách cho văn hóa. 800 đại biểu tham dự trực tiếp cùng với việc Hội thảo được phát trên các nền tảng mạng xã hội, phát trực tiếp trên truyền hình đã lan tỏa các nội dung được trao đổi, thông điệp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khiến nhận thức về văn hóa của toàn xã hội được nâng lên.

Tôi hy vọng qua hội thảo này, thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa sẽ được hoàn thiện, nguồn lực cho văn hóa sẽ được tăng lên; Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ được Quốc hội đưa vào nghị quyết để Chính phủ thực thi.

Chính sách về văn hóa là nội dung tôi thấy tâm đắc nhất, ví dụ chính sách đối với đầu tư, bảo tồn các di sản văn hóa chẳng hạn. Ngoài ra, chế độ cho nghệ nhân hiện nay tùy vào nguồn lực của từng địa phương. Do đó, tôi cũng kỳ vọng sẽ có chính sách chung cả nước về chế độ cho nghệ nhân để có sự đầu tư phù hợp và đồng đều.

NSND VƯƠNG DUY BIÊN, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam:
Có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ có nguồn lực và lộ trình thực hiện

Toàn diện, thẳng thắn, thiết thực

Mấu chốt nhất qua các phát biểu tại hội thảo, cũng là điều tôi mong muốn, là tiến tới xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Có Chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ cao hơn cả các nghị quyết, đề án, chương trình hành động của Chính phủ. Khi Quốc hội thông qua, sẽ có nguồn lực và lộ trình thực hiện. 

Chủ đề hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã nêu ra được rất nhiều vấn đề, quan trọng là giải quyết những vấn đề ấy. Tôi hơi tiếc khi phần giải trình chi tiết còn thiếu hoặc ít thời gian. Tôi mong muốn bàn sâu hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho nghệ sĩ, như vấn đề lương bổng, chính sách đãi ngộ. Tuổi nghề một số lĩnh vực chỉ khoảng mười năm, bóng đá, múa và xiếc cũng vậy, nhưng sau đó họ được đãi ngộ ra sao? Rồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... rất khó thu hút giới trẻ theo học, nhưng học xong thì công tác ở đâu? Làm gì? Có bảo đảm cuộc sống hay không?... Đó là lý do các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống không phát triển, thậm chí nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống bị sáp nhập. Mà sáp nhập lại càng "chết". Vì thế, rất cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo, từ trung ương đến các cấp địa phương về vấn đề này.

TS. LÊ THỊ MINH LÝ, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam:
Ứng xử có văn hóa đối với sản phẩm văn hóa

Toàn diện, thẳng thắn, thiết thực

Những vấn đề được bàn đến tại hội thảo tôi thấy khá hay. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với một kịch bản bao trùm các khía cạnh khác nhau nhìn từ nguồn lực văn hóa. Về vấn đề này, chúng ta cần thống nhất rằng, phải cải tiến những vấn đề thể chế và chính sách. Hơn nữa, chỉ bàn về cải tiến như thế nào, mỗi chuyên gia, mỗi đại diện bộ, ban, ngành đều đưa ra cách xử lý khác nhau. Với tôi, tất cả đều rất thiết thực.

Chủ đề ngắn gọn và súc tích, song cái mũ của nó rất lớn, chạm vào tâm tư của những người có nghề, khiến họ có niềm tin về chỗ đứng của mình. Ví dụ nghề của tôi là di sản văn hóa, qua hội thảo tôi cũng tìm được những tham khảo cho chính mình. Tôi lấy ví dụ, khi nói đến câu chuyện cải tiến chính sách cho nghệ nhân khi khai thác giá trị di sản một cách bền vững, có một thực trạng, hiện nay có khi người sáng tạo ra một giá trị văn hóa lại không được lợi gì từ văn hóa ấy. Nói cách khác, cộng đồng là chủ thể nhưng họ lại không được hưởng lợi. Vậy vấn đề bản quyền, chia sẻ lợi ích, lại là một vấn đề nữa đặt ra trong thảo luận. 

Giải thích rõ hơn, với các sản phẩm sáng tạo dựa trên nền tảng của tranh Đông Hồ phục vụ xã hội ít nhất phải nói rõ rằng cái này lấy từ tranh Đông Hồ. Hoặc cộng đồng làm tranh Đông Hồ phải được tôn vinh, để công chúng thêm tự hào về di sản của mình. Xa hơn nữa, phải trích quỹ để bảo tồn trở lại tranh Đông Hồ, chưa cần phải trả cho chủ thể nào đó nhưng đưa vào quỹ văn hóa để bảo tồn tranh Đông Hồ là ứng xử có nguyên tắc về mặt văn hóa.

Hương Sen - Cẩm Vân