Tạo "cộng hưởng kép" cho văn học trẻ

- Thứ Bảy, 02/07/2022, 06:22 - Chia sẻ

Sáng tạo văn chương là sự tự thân, nhưng nếu được khích lệ, hỗ trợ sẽ tạo “cộng hưởng kép” thúc đẩy nhà văn trẻ dấn thân vào nghề và cống hiến.

Đừng là trở lực, hãy là trợ lực

Tại hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung” do Khoa Viết văn Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và CLB Nhà văn Trẻ Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm nhận định, nhìn lại, những thành tựu về mặt chất lượng, tầm vóc của văn học trẻ vẫn dường như khá khiêm tốn so với di sản văn chương của cha anh, các tác giả thời chiến và đầu đổi mới. Khó có thể điểm ra những tên tuổi nhà văn trẻ đủ sức thuyết phục người đọc về giá trị, tầm vóc tác phẩm cũng như khả năng hiện diện một cách ấn tượng, bền bỉ trong lòng công chúng đương đại.

Tạo
Nhiều cây bút trẻ đang nỗ lực khẳng định mình

“Sẽ thật khiên cưỡng khi đặt ra so sánh, nhưng rõ ràng, chúng ta đang chờ đợi ở văn trẻ những sáng tác có tầm vóc… Thế hệ trẻ thực sự (dưới 35 tuổi) nếu so sánh với thế hệ đi trước, chúng ta sẽ thấy chênh lệch ít nhất trên bình diện đội ngũ và kết tinh giá trị. Cần nhiều thời gian nữa lịch sử văn học mới có thể đặt ra một sự đối sánh như thế” - Nguyễn Thanh Tâm nói.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa lại “khuyến cáo” những cái nhìn trịch thượng, những xoa đầu kẻ cả, những ngộ nhận mặc định rằng trẻ đồng nghĩa với "xanh non", thiếu kinh nghiệm cả về vốn sống lẫn viết, và phải khiêm tốn, tầm sư học đạo. Anh nhận thấy, nhiều người đã tỏ ra bi quan khi thi thoảng cảm thán rằng văn chương đang lâm nguy, người trẻ chẳng còn mấy ai đoán màng văn chương… Nhưng sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ là thưa mỏng vắng thiếu. Họ như những lớp sóng, vừa nối vừa gối lên nhau, nỗ lực tự định vị mình trên bản đồ văn chương nước nhà… Bởi vậy, "những bài xích can gián, kháng cự, khước từ không ngăn được đôi cánh của họ. Vậy nên, đừng là trở lực, mà nếu có thể thì trợ lực, để họ được thông thoáng vươn sải những đường bay".

“Lâu nay khi nhắc đến văn học trẻ, thường có hai trạng thái: luôn cổ vũ, biểu dương, đề cao phát hiện tìm tòi đổi mới của tác giả trẻ, nhưng đôi khi còn có hoài nghi, băn khoăn về thực trạng của văn học trẻ. Điều đó tuy trái ngược nhau nhưng đều cho thấy mối bận tâm lớn về văn học trẻ” - TS. Mai Anh Tuấn, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định. Tuy nhiên, anh cho rằng, ngoài nghĩ về gương mặt, tác phẩm đáng chú ý, thậm chí là tác phẩm đỉnh cao của văn học trẻ, mỗi người nên tìm đọc để hiểu văn học trẻ, nhận diện xu hướng vận động; đồng thời quan tâm tới phương thức khuyến khích, tạo điều kiện, quảng bá văn học trẻ, hỗ trợ nhà văn trẻ sống được với văn chương chữ nghĩa…

Tiếp sức bằng cơ chế, chính sách cụ thể

“Dòng chảy văn học trẻ, ngoài việc được khởi lên từ chính tài năng, nội lực, tri thức, trải nghiệm, tình cảm của những người viết trẻ, trong thực tế diễn tiến còn được góp phần xây dựng, bồi bổ, thúc đẩy, xúc tác từ những yếu tố bên ngoài có liên quan” - nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ khi nói về việc tạo dựng những hỗ trợ tích cực cho văn học trẻ.  

Có thể thấy, trong những năm qua, hoạt động xuất bản và thị trường sách phát triển mạnh mẽ, phong phú. Các hoạt động hội chợ sách, ngày hội sách, xu thế phát triển văn hóa đọc, tăng cường trang bị ấn phẩm sách phục vụ công chúng... đang tạo điều kiện tốt cho sự xuất hiện của các tác giả văn học, trong đó có nhiều tác giả trẻ. Sự hưởng ứng của xã hội đối với văn hóa đọc và các sự kiện sách cụ thể góp phần khích lệ các tác giả trẻ tham gia vào việc đáp ứng những nhu cầu đó bằng sáng tạo của mình. Sự cởi mở của cơ chế xuất bản, sự đa dạng của hình thức xuất bản giúp các tác giả trẻ giới thiệu tác phẩm. Các hoạt động của hội nghề nghiệp như giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, Sân thơ trẻ, câu lạc bộ văn học trẻ, các trại sáng tác văn học hàng năm… là những điều kiện thiết thực động viên, thúc đẩy nhiều cây bút cả trong quá trình đào tạo lẫn hành nghề, tác nghiệp hoặc phần nào thỏa mãn đam mê sáng tác văn chương của họ.

Tuy nhiên, theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, sự quan tâm, hỗ trợ đối với các tác giả trẻ thời gian qua thường mang tính sự vụ, nhỏ lẻ, xuất hiện đây đó, chứ chưa thành phong trào, chưa được lan rộng, đặc biệt chưa được nâng lên tầm chính sách, cơ chế. Ở góc độ của ngành văn hóa, khó lòng nhận thấy những định hướng, chỉ đạo, chương trình, hoạt động hướng về các tài năng văn học trẻ hay những người trẻ tham gia tích cực vào hoạt động văn học.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phát huy vai trò, tiếng nói, khả năng kiến tạo, phối hợp của đơn vị quản lý nhà nước lĩnh vực này là Phòng Văn học thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm góp sức vào đời sống văn học nói chung, hợp tác, hỗ trợ các cây bút trẻ nói riêng. Ngành văn hóa nói chung lâu nay thường tập trung vào các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… riêng lĩnh vực văn học, trong đó có văn học trẻ, còn nhiều khoảng trống. Do vậy, về lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa và hội nghề nghiệp trong xây dựng chính sách, cơ chế tìm kiếm, bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ tài năng văn học trẻ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới văn học, nhưng chủ yếu là cơ chế chính sách, chưa thể chế hóa bằng pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định về hoạt động văn học. Những tiếng nói từ cơ sở, từ người trong nghề, trong đó có văn học trẻ, sẽ được chắt lọc để xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan thời gian tới.

Ngọc Phương