Kết nối tình yêu di sản

- Thứ Bảy, 28/05/2022, 05:49 - Chia sẻ

Gắn bó với Việt Nam nhiều năm, ông Mark Rapoport (Mỹ) đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật về văn hóa các dân tộc và tích cực truyền tải câu chuyện, quảng bá vẻ đẹp những di sản này. 

Vẻ đẹp của vật dụng đời thường

Chuyển tới Hà Nội làm việc từ năm 2001 và sau đó sống như người Hà Nội thực thụ, ông Mark Rapoport cho biết đã bắt đầu sưu tầm đồ vật của các dân tộc thiểu số, sau đó là đồ vật của người Kinh và tổ tiên của họ. Vợ ông, bà Jane C. Hughes, công tác tại Việt Nam, đã đồng hành với ông trong hành trình văn hóa này.  

Các hiện vật ông Mark Rapoport tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thu hút sự quan tâm của công chúng - Ảnh: VWM
Các hiện vật ông Mark Rapoport tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: VWM

Trong bộ sưu tập đồ sộ gồm 10.000 hiện vật, ông Mark Rapoport cho biết luôn chú ý tới những công cụ sinh hoạt dùng trong trồng trọt, đánh bắt, chế biến thực phẩm, tạo ra trang phục… Những hiện vật này không phải “nghệ thuật đỉnh cao”, nhưng lại truyền tải nhiều giá trị kiến thức. Một mặt, chúng nhấn mạnh tính phổ quát của trải nghiệm cuộc sống con người với những công việc mà ai cũng phải thực hiện, không kể đến địa điểm và mức độ tinh vi của công nghệ. Mặc khác, chúng cho thấy sự biến đổi vô tận mà loài người đóng góp trong việc thiết kế và tạo ra công cụ để thực hiện những công việc ấy, gồm vật liệu, thiết kế, kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong số công cụ dùng để thu hoạch lúa, rất nhiều đường nét chạm khắc hình thù các loài vật cụ thể. Để làm việc này cần sự nỗ lực nhất định, mặc dù nỗ lực đó không giúp tăng tính hiệu quả của công cụ. Những chủ nhân của các hiện vật đó đã bỏ thêm nhiều công sức chỉ bởi họ muốn làm điều đó. Họ đánh giá cao vẻ đẹp của các vật dụng đời thường và ông Mark Rapoport cũng vậy.

Không chỉ sưu tầm và lưu giữ, ông Mark Rapoport còn trao tặng các hiện vật, truyền tải câu chuyện về hiện vật tới công chúng. “Văn hóa Việt Nam vẫn chưa được biết đến và quảng bá rộng rãi ở nước ngoài như những gì nó xứng đáng có được. Thậm chí ở các bảo tàng lớn nhất ở New York, chỉ số ít hiện vật trưng bày đến từ Việt Nam. Vì thế, tôi đã trao tặng những hiện vật liên quan tới văn hóa Việt Nam cho một số bảo tàng ở Mỹ, trong đó có Bảo tàng Mingei ở San Diego, Bảo tàng Đại học Bates và Đại học Brown…”.

Năm 2006, ông cùng một đối tác ở Việt Nam mở phòng trưng bày có tên 54 Traditions (54 dân tộc). “Năm 2020, khi rời phòng trưng bày, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc tìm ra những nơi dừng chân mới cho hiện vật trong một số bộ sưu tập của mình ở Việt Nam và Mỹ”.

Năm 1969, ông Mark Rapoport được Hiệp hội Y khoa Mỹ cử đi tình nguyện tại Việt Nam, làm việc tại bệnh viện thành phố Đà Nẵng và các buôn làng của người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi. Trở về Mỹ làm việc 25 năm, đến 2001 ông Mark Rapoport trở lại Việt Nam thực hiện một nghiên cứu lớn về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Ngoài sưu tầm di sản văn hóa Việt Nam, ông từng xuất bản cuốn sách “101 lý do để sống ở Hà Nội”, thực hiện dự án tặng kính lão thị cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã lớn tuổi, giúp họ tiếp tục công việc thêu thùa, may vá, bảo tồn nghề truyền thống.

Ấn tượng về văn hóa Việt

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức tiếp nhận gần 500 hiện vật của ông Mark Rapoport. Các hiện vật gắn liền với phụ nữ Việt Nam, tiêu biểu là các bộ sưu tập dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức trang điểm, trang phục và đồ dệt, nghệ thuật điêu khắc tượng... 

Hai bên có cơ duyên gặp nhau cách đây hơn 10 năm. Yêu quý và tin tưởng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ là nơi gìn giữ và phát huy tốt giá trị của các hiện vật, đến nay tổng số hiện vật ông đã trao tặng Bảo tàng 650 hiện vật với đa dạng loại hình và chất liệu. Trong đó, có hiện vật gắn liền với văn hóa, đời sống của nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; hiện vật cổ là tiền thân của đồ vật đang được sử dụng, như lưỡi rìu hoặc công cụ thu hoạch lúa...

Số hiện vật được trao tặng không chỉ ấn tượng về giá trị văn hóa mà với ông Mark Rapoport còn là kỷ niệm. Như chiếc gùi 3 ngăn - một trong hai hiện vật đầu tiên ông đã mua trong chuyến công tác lần đầu tại Việt Nam năm 1969 từ phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam. Hay bộ sưu tập bao đựng dao của người Nùng làm bằng gỗ với các dòng chữ, hình ảnh được khắc ở xung quanh và bên trong, thể hiện tình yêu, sự lãng mạng của người dân tộc Nùng. Độc, lạ và kỳ công trong số hiện vật trao tặng cho Bảo tàng lần này là 20 bức tranh Đạo giáo về các vị nữ thần trong đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc (như Cô Chín, Bà Mụ…). Chính các hiện vật đã mở ra trong ông Mark Rapoport niềm say mê sưu tầm và nghiên cứu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. 

Tiếp nhận các hiện vật từ ông Mark Rapoport, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “Luôn xác định rõ sứ mệnh của mình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã chủ động tìm kiếm, kết nối để sưu tầm và lưu giữ những hiện vật gắn liền với phụ nữ Việt Nam trong dòng chảy lịch sử, tri thức, văn hóa và xã hội. Trên hành trình đó, chúng tôi giành được sự quan tâm và tin tưởng của công chúng và các cá nhân khi họ gửi trao những kỷ vật, tài sản vô giá của mình để Bảo tàng lưu giữ”. 

Và cứ thế, kho lữu trữ của Bảo tàng đầy ắp những hiện vật giá trị của nhiều chủ nhân khác nhau, nhưng cùng chung một tình yêu với việc gìn giữ di sản và mong muốn để những hiện vật ấy sẽ thay mình kể chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam cho nhiều thế hệ mai sau. 

Thảo Nguyên