Góc nhìn mới về đền Quán Thánh

- Thứ Bảy, 21/05/2022, 18:19 - Chia sẻ

Cuốn sách "Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội" vừa ra mắt độc giả, mang tới thông tin, góc nhìn mới về danh thắng nổi tiếng Thăng Long - Hà Nội.

Chiều 21.5, tại Hà Nội, Nhà sách Tri Thức Trẻ Books, Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam tổ chức tọa đàm ra mắt sách "Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội" của tác giả Nguyễn Đức Dũng. 

Góc nhìn mới về đền Quán Thánh 
Cuốn sách đem lại cho người đọc đương đại tri thức về đền Quán Thánh, danh thắng nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội

Sách do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, đem lại cho người đọc đương đại tri thức về Quán Thánh, danh thắng nổi tiếng đất Thăng Long - Hà Nội, được ghi lại bằng chữ Hán - Nôm trên các hiện vật có chất liệu gỗ, đồng, đá và giấy, hiện còn được lưu trữ tại đây.

Mở đầu bằng một bài tổng luận bao quát lịch sử Quán Thánh cũng như hệ thống hóa di sản tư liệu Hán - Nôm về nơi này, cuốn sách dẫn dắt người đọc tiếp cận với từng tư liệu qua hai hình thức là văn tự và hình ảnh. Ở đó, mỗi ảnh chụp hiện vật, tư liệu được đi kèm với bản phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, giúp đông đảo công chúng dễ dàng tiếp cận, cảm nhận vẻ đẹp của các hiện vật, tư liệu, từ hoành phi, câu đối, tới bia đá, biển đồng, sắc phong...

Cuốn sách được hình thành từ quá trình nghiên cứu văn khắc Hán - Nôm đền Quán Thánh của tác giả Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên chính Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tác giả cho biết đã ấp ủ cuốn sách trong 22 năm qua, sau quá trình điền dã, mày mò từng nét chữ của di tích, có nét mất, nét còn; và nghiên cứu tư liệu...

Góc nhìn mới về đền Quán Thánh  -1
Tác giả Nguyễn Đức Dũng chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách

Khảo sát 25 bài thơ, 15 hoành phi, 31 câu đối, 6 bia đá, 1 khánh đồng, 1 biển đồng của đền Quán Thánh, cuốn sách cho cái nhìn bao quát về hệ thống di sản văn bản khắc Hán - Nôm tại đây từ nhiều khía cạnh. Về số lượng, đây là một di tích còn bảo lưu khá nhiều văn bản khắc Hán Nôm với các thể loại phong phú, khắc trên chất liệu đá, đồng và gỗ. Cùng với đó là các hiện vật được chế tác công phu, tinh xảo, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ tiêu biểu cho di tích.

Hệ thống văn bản khắc Hán Nôm tại đền tập trung được một số lượng lớn tác giả là những nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa... hầu hết đều giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền phong kiến triều Nguyễn và cả chính quyền thuộc địa Pháp tại Bắc Kỳ. Số lượng tác giả lên tới 88, hệ thống tác phẩm gồm nhiều phong cách khác nhau, trình độ sáng tác cao.

Về niên đại, sớm nhất là tấm bia “San Thánh kinh kí tiên nhân khuyến thiện bi” có niên đại từ năm Đức Long thứ 5 (Quý Tỵ, 1633). Ngoài tấm bia đó, đa số văn bản khắc tại đây có niên hiệu Thành Thái thứ 5 (Quý Tỵ, 1893), gắn liền với việc trùng tu đền năm đó.

Về nội dung, các văn bản này cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của di tích, cũng như các giá trị về văn học, lịch sử, địa lý... của Thăng Long nói chung và vùng Tây Hồ nói riêng.

Với các giá trị về văn bản, lịch sử, văn học... hệ thống văn bản khắc Hán Nôm đền Quán Thánh đã góp phần làm cho di tích lịch sử - văn hóa này trở thành một di tích lớn, đặc trưng và độc đáo của Việt Nam.

Nhận định về công trình khảo cứu sâu về tư liệu Hán Nôm này, các nhà nghiên cứu tại buổi ra mắt cho rằng, cuốn sách đã cung cấp tư liệu mới, góc nhìn mới về di tích của Thăng Long - Hà Nội, từ lịch sử, kiến trúc và tín ngưỡng, hình tượng Huyền Thiên Chân Vũ (còn được gọi là Trấn Vũ, hay Huyền Vũ) - vị thần có ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử Việt Nam.

GS. TS. Đinh Khắc Thuân nhận xét, các công trình nghiên cứu Hán Nôm được xử lý kỹ lưỡng về văn bản, chữ nghĩa cần được giới thiệu rộng rãi theo cách như cuốn sách này để có thể truyền tải tốt hơn tới công chúng. Các tác phẩm như vậy có thể giới thiệu tại các di tích, thậm chí có thể dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau để quảng bá tới du khách. 

Ng. Phương
#