Bước qua lằn ranh văn hóa

- Thứ Hai, 04/07/2022, 06:35 - Chia sẻ

Trong bối cảnh giao thoa văn hóa rộng mở, các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ nét đặc sắc của cộng đồng, dân tộc khác ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, làm thế nào để cộng hưởng sáng tạo giữa nghệ sĩ và cộng đồng, đưa sáng tạo trở thành cầu nối giữa những người đến từ các nền văn hóa khác nhau?

Văn hóa các dân tộc - chất liệu của nghệ thuật

Gần đây, trong các sáng tác nghệ thuật, thời trang, không ít tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc thiểu số. Với lĩnh vực âm nhạc, khán giả ấn tượng với các video mang đậm văn hóa dân gian, từ giai điệu, ca từ, tới trang phục, bối cảnh thực hiện, như: MV “Nhà em ở lưng đồi” (nhạc Đức Trịnh, lời thơ Lê Tự Minh, ca sĩ Nguyễn Thu Hằng); MV “Để Mỵ nói cho mà nghe” (DTAP, ca sĩ Hoàng Thùy Linh), hay album “Giai điệu vùng cao” của ca sĩ Vũ Minh Vương...

Bước qua lằn ranh văn hóa -0
Cảnh trong vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai”. Nguồn: VOV

Ở lĩnh vực sân khấu, mới đây vở diễn cải lương “Chuyện tình Khau Vai” (chuyển thể từ kịch bản thơ của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên dàn dựng) đã tự làm mới âm nhạc khi có sự kết hợp cải lương với những giai điệu dân gian miền núi Tây Bắc, tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của dân tộc Nùng, Giáy ở cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang... Trong văn học, điện ảnh, thời trang... nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế cho ra đời các tác phẩm, mẫu thiết kế dựa trên bản sắc của các cộng đồng, tộc người.

Tại Tọa đàm “Sáng tạo đa văn hóa - chiếm dụng hay tiếp dụng?” do Mạng lưới Tiên phong Việt Nam, iSEE và Cecem tổ chức mới đây, các chuyên gia và người trong cuộc cho rằng, không phải tác phẩm, sản phẩm nào lấy cảm hứng từ văn hóa các dân tộc thiểu số cũng thành công cả về thu hút khán giả cũng như được sự đón nhận của chính cộng đồng sở hữu nét văn hóa ấy. Có tác phẩm gây ra tranh cãi vì thể hiện không đúng, làm công chúng có cái nhìn sai lệch về văn hóa dân tộc thiểu số.

Theo anh Tòng Văn Hân - người Thái ở Điện Biên, khi nghệ sĩ khai thác, sáng tác trên nền tảng văn hóa dân tộc thiểu số giúp văn hóa dân tộc được lan tỏa. Chẳng hạn, bài hát “Chiếc khăn Piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho giúp mọi người biết được người Thái có đặc trưng văn hóa như vậy. Nhưng trong một số sáng tác, thiết kế hiện đại, do không hiểu tâm linh, quan niệm của biểu tượng này, một số người lại dùng khăn Piêu... làm khố, khiến cộng đồng người Thái bức xúc.

Nhiều ý kiến từ chuyên gia và cộng đồng dân tộc thiểu số phản ánh thực trạng nghệ sĩ tiếp cận với nền văn hóa dân tộc thiểu số rất dễ dán mác hỗ trợ, bảo tồn, dễ lý tưởng, thậm chí lãng mạn hóa văn hóa dân tộc thiểu số. Có nơi khai thác du lịch nhưng chưa tôn trọng văn hóa bản địa; có những sản phẩm sử dụng kiểu dáng trang phục và họa tiết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không đề cập thông tin và không có sự đóng góp, hỗ trợ nào cho cộng đồng...

“Chiếm dụng” hay “tiếp dụng” văn hóa?

Vài năm qua, những thảo luận về “chiếm dụng văn hóa” (cultural appropriation) ngày càng trở nên phổ biến và được thảo luận trong công chúng. Là nhà nghiên cứu, theo sát cộng đồng và hoạt động nghệ thuật, TS. Lư Thị Thanh lê, giảng viên Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, tính cộng đồng là một đặc trưng của văn hóa, và vì văn hóa gắn với cộng đồng nên cũng có sự phân biệt giữa người bên trong và người bên ngoài nền văn hóa đó. Khi một người bên ngoài nền văn hóa đó đến và sử dụng một nét văn hóa của cộng đồng đưa vào sáng tác của mình, tạo nên một tác phẩm mới. Thành tố văn hóa vốn ở trong cộng đồng này được đưa ra bối cảnh khác, trở thành một phần trong sáng tác của nghệ sĩ. Có người cáo buộc nghệ sĩ đã “chiếm dụng văn hóa”, nhưng cũng có cách nói trung tính hơn đây là “tiếp dụng”, “chuyển dụng” văn hóa...

Theo TS. Lư Thị Thanh Lê, sẽ là trái pháp luật nếu ai đó đến từ bên ngoài lấy những vật phẩm, đồ dùng, vật thể văn hóa thuộc về quyền sở hữu của một người hay một nhóm người trong cộng đồng. Tuy nhiên, với các tài sản văn hóa vô hình, việc quan sát sự sở hữu, vay mượn, chiếm dụng có phần phức tạp hơn.

Việc con người tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau, trân trọng khi trải nghiệm, phản ánh hoặc lấy cảm hứng từ đó đưa vào tác phẩm của mình là điều tự nhiên. Các sáng tác lấy chất liệu văn hóa của các cộng đồng khác cũng xảy ra thường xuyên, từ âm hưởng giai điệu, từ ngữ, mô típ... Điều đáng nói ở đây là ý thức của nghệ sĩ khi thể hiện, truyền đạt văn hóa của các cộng đồng khác, cần có sự soi chiếu sao cho phản ánh đúng giá trị của cộng đồng, có lợi ích cho cộng đồng và tạo ra giá trị mới.

Hợp tác với các cộng đồng chế tác thủ công dân tộc thiểu số, nhà thiết kế Vũ Thảo - người sáng lập Kilomet109 bày tỏ: “Chiếm dụng hay tiếp dụng như sợi tơ, không dễ dàng phân định cho cả những cái đầu tỉnh táo”. Làm sao để tránh được những cuộc xâm lấn văn hóa cả vô thức lẫn hữu thức mà vẫn thỏa mãn khát vọng sáng tạo là điều chị trăn trở.

Hiện tại Kilomet109 cộng tác với 5 cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong quá trình cộng tác này, đồng sáng tác và đồng sở hữu là quan trọng. Việc kể bản thể văn hóa, đội ngũ nghệ nhân đứng sau chế tác sản phẩm cũng mang lại nhiều giá trị cho sản phẩm làm ra, trong đó có cả giá trị thương mại. Từ kinh nghiệm làm việc với cộng đồng, nhà thiết kế Vũ Thảo cho rằng, khi có ý định tiếp cận với nền văn hóa khác, chúng ta cần dành thời gian nghiên cứu, trải nghiệm, xây dựng lòng tin với cộng đồng, từ đó tự tin hơn trong khai thác, sáng tác, kể các câu chuyện văn hóa của họ. Mối quan hệ cộng hưởng giữa cộng đồng và người sáng tạo cũng là vấn đề cần đặt ra. Khi nghệ sĩ sử dụng chất liệu sáng tạo thì phải ghi nhận nghệ nhân hợp tác, hỗ trợ mình trong sáng tác, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng.

Câu chuyện chiếm dụng văn hóa không chỉ diễn ra với đa số người sử dụng văn hóa của người dân tộc thiểu số, hay chỉ diễn ra ở Việt Nam... TS. Lư Thị Thanh Lê khẳng định, phải tách bạch giữa sự vụ lợi, khai thác quá mức và thiếu trách nhiệm với những cố gắng, nỗ lực thúc đẩy đa dạng văn hóa trong cộng đồng. Điều này sẽ góp phần khuyến khích nghệ sĩ tìm tòi những chất liệu văn hóa của một cộng đồng khác để tạo nên các sáng tác nghệ thuật mới.

NGỌC PHƯƠNG
#