“Đón khách” trên không gian số

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 06:56 - Chia sẻ
“Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với các bảo tàng trên thế giới nói chung và với các bảo tàng Việt Nam nói riêng khi buộc phải đóng cửa, mối quan hệ trực tiếp giữa bảo tàng và công chúng bị ngắt quãng, sự vận hành thông thường của bảo tàng bị đảo lộn. Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có, đòi hỏi các bảo tàng phải nhìn lại chính mình và tìm hướng đổi mới cho phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội” - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ về hoạt động của Bảo tàng hai năm qua.
Công nghệ kéo gần công chúng và bảo tàng
Nguồn: vnfam.vn

Tăng cường ứng dụng công nghệ số là một cách hữu hiệu để đưa nghệ thuật đến gần công chúng. Tháng 4.2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseumVFA; cuối tháng 8.2021 là 3D Tour (tiếng Việt và Anh) tích hợp trên website của Bảo tàng (vnfam.vn) hỗ trợ khách tham quan trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Bảo tàng cũng tổ chức thành công các triển lãm chuyên đề trực tuyến và trong không gian 3D; xây dựng, tích hợp video chất lượng cao giới thiệu hiện vật tiêu biểu trên các kênh truyền thông số...

Để có sự chuyển đổi này, Bảo tàng đã phải vượt qua không ít thách thức. Theo TS. Nguyễn Anh Minh, đầu tiên là nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ mới cũng như vận hành trang thiết bị liên quan, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi. Công tác bảo tồn, bảo tàng rất đặc thù nên càng khó khăn hơn trong triển khai chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, “khi triển khai xây dựng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseumVFA, việc xây dựng các bài viết giới thiệu tác phẩm đòi hỏi yêu cầu cao do cảm nhận của mỗi người không giống nhau. Bảo tàng đã phải mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia sau đó tìm ra mẫu số chung nhất để truyền tải tới công chúng một cách hiệu quả và trọn vẹn” - TS. Nguyễn Anh Minh kể.

Công tác chuyển ngữ và thu âm cũng không đơn giản, đòi hỏi phải đem đến cho bạn bè thế giới cảm nhận chính xác nhất về tác phẩm mà vẫn giữ được cái hay của bài phân tích trong ngôn ngữ gốc. Rất may là trong quá trình này, Bảo tàng đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các Đại sứ quán và các tổ chức, chuyên gia quốc tế tham gia biên dịch và thu âm các bài viết tiếng nước ngoài...

Ban đầu, Bảo tàng định lựa chọn ứng dụng audio guide như một số đơn vị trong ngành và di tích đã triển khai. Tuy nhiên, sau khi tham khảo chuyên gia công nghệ, Bảo tàng đã lựa chọn ứng dụng thuyết minh đa phương tiện với mục đích đa dạng hóa trải nghiệm cho khách tham quan, mong muốn công chúng hiểu thêm về những câu chuyện đằng sau tác phẩm mỹ thuật. Từ dự định làm hệ thống audio guide, tức là chỉ âm thanh, Bảo tàng đã chuyển thành ứng dụng đa phương tiện, gồm cả âm thanh, hình ảnh, kết hợp sơ đồ tham quan… 

Sau hơn 2 năm chuẩn bị, ứng dụng iMuseum VFA đã ra mắt trong thời gian giãn cách xã hội, trở thành công cụ hữu ích duy trì kết nối công chúng với Bảo tàng, tạo cơ hội cho khách tham quan tìm hiểu hiện vật của Bảo tàng mọi lúc mọi nơi với 8 ngôn ngữ khác nhau. Tham quan trực tuyến không thể thay thế tham quan trực tiếp, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số đã quảng bá các tác phẩm mỹ thuật vô giá của dân tộc, truyền cảm hứng cho nhiều người đến trải nghiệm trực tiếp.

Với những thành quả bước đầu đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị bảo tàng duy nhất nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2021. TS. Nguyễn Anh Minh cho biết: “Bảo tàng tiếp tục tập trung vào chuyển đổi số, đặc biệt là số hóa tài liệu, hiện vật và các chuyên môn sâu khác như đẩy mạnh nghiên cứu, chỉnh trang trưng bày, xây dựng sản phẩm, phát triển ý tưởng, đa dạng hóa các hình thức hoạt động và tích cực chuẩn bị sẵn sàng đón khách tham quan khi đại dịch qua đi!”

Thảo Nguyên