Xuân Nhâm Dần đọc lại thơ của Bác

- Thứ Ba, 01/02/2022, 06:15 - Chia sẻ

60 năm trước, những vần thơ, bài viết của Bác Hồ dịp Xuân Nhâm Dần 1962 đã làm bừng lên không khí thi đua lao động sản xuất của cán bộ, Nhân dân miền Bắc; đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam chống lại sự vũ trang xâm lược của đế quốc Mỹ… Đồng bào cả nước đang náo nức bước vào năm Nhâm Dần mới, với niềm tin vẫn vẹn nguyên vào lời chúc của Bác 60 năm trước: “Phải vượt qua khó khăn hiện tại để hưởng lợi ích muôn đời”.

Thiệp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1962
Thiệp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1962

Động viên, khích lệ đồng bào cả nước

Từ Xuân 1942, hầu như Tết nào Bác Hồ cũng có thơ mừng xuân gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Những vần thơ mộc mạc, gần gũi, chứa chan tình cảm của vị cha già dân tộc, nêu bật tình hình và những thắng lợi trong năm cũ, định hướng những việc chính cần làm trong tương lai. Trong bài thơ Xuân Nhâm Dần năm 1962, năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, Bác chúc “chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/Hòa bình thống nhất quyết thành công”. Đặc biệt, Bác khuyến khích đẩy mạnh phong trào thi đua với Duyên Hải, Đại Phong.  

Nǎm Dần, mừng Xuân thế giới

Cả nǎm châu phấp phới cờ hồng.

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,

Bốn mùa hoa Duyên-hải, Đại-phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,

Sức triệu người hơn sóng biển Đông.

Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,

Hòa bình thống nhất quyết thành công

(Báo Nhân Dân số ra ngày 5.2.1962, tức mồng 1 Tết Nhâm Dần)

Trước đó, trong bài viết Tốt đẹp thay! đăng báo Nhân Dân số ra ngày 5.1.1962, Bác đã ca ngợi Duyên Hải và Đại Phong: “Về công nghiệp năm ngoái hơn 500 nhà máy và công trường hăng hái tham gia phong trào thi đua với Duyên Hải. Nhà máy này thì đã sản xuất gấp 3 lần rưỡi năm 1960 và đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn hơn 100 ngày. Về nông nghiệp: 89% nông dân ta đã vào hợp tác xã và hơn 68% hợp với xã đã lên toàn thôn. Nhiều hợp tác xã hăng hái thi đua với Đại Phong và đã đuổi kịp hoặc  vượt qua Đại Phong về mặt này hoặc mặt khác. Đại Phong thì đã đạt kết quả tốt như sau: ruộng đất mỗi người từ 3 sào 9 tăng lên 9 sào 6. Năng suất mỗi mẫu tây từ 15 tạ tăng lên 20 tạ. Lương thực bình quân mỗi người mỗi năm độ 350kg tăng lên 1.300kg…”.

Cũng trong bài viết này, Bác biểu dương những thành tựu về văn hóa, giáo dục, về thuần phong mỹ tục, như em bé dũng cảm cứu bạn khỏi chết đuối, nhiều người nhặt của rơi đã trả người mất, người cởi áo rét nhường người rét hơn, anh xích lô chở giúp người ốm, nhiều cụ già vẫn xung phong làm công việc nghĩa vụ… và kết luận: “Những thí dụ trên đây chỉ là vài đóa hoa trong vườn xuân xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng đủ chứng tỏ rằng nhờ sự giáo dục của Đảng, Nhân dân ta tiến bộ rất nhiều về mọi mặt”…

Được sự cổ vũ, động viên, khích lệ của Bác Hồ, ở miền Bắc khắp nơi thi đua thực hiện hoàn thành thắng lợi năm thứ hai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965, phấn đấu bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Phong trào thi đua ngày càng rầm rộ, khắp nơi hướng tới những đỉnh cao điển hình tiên tiến: Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất, tiếng trống Bắc Lý… Miền Nam đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, anh dũng đương đầu với các kế hoạch mở rộng chiến tranh của Mỹ - Diệm. Sau Đồng Khởi năm 1960, quân và dân ta lần lượt đánh thắng kế hoạch Staley - Taylor, phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, làm cho địch lâm vào tình thế bị động đối phó trên khắp chiến trường miền Nam, đến mức năm 1963 Mỹ phải cho làm đảo chính, “thay ngựa giữa dòng”, lật đổ chế độ gia đình trị Diệm - Nhu.

“Vượt khó khăn hiện tại để hưởng lợi ích muôn đời”

Hồi mới về nước, trong lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, viết tháng 6.1941 ở Pắc Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi người cao tuổi: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề...”. (1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các phụ lão và văn nghệ sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 5.2.1962 (mồng 1 Tết Nhâm Dần) - Ảnh: BTHCM
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ mừng xuân của các phụ lão và văn nghệ sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 5.2.1962 (mồng 1 Tết Nhâm Dần) 
Ảnh: BTHCM

Hơn hai mươi năm sau, chiều mồng 1 Tết Nhâm Dần, tức 5.2.1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm phòng trưng bày văn học và dự cuộc ngâm thơ Mừng Xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ tại Văn Miếu, Hà Nội. Người đã đọc hai câu thơ mừng tuổi các cụ phụ lão: Tuổi già nhưng chí không già, góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh. (2)

Trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường có phong cách điểm một vài câu thơ. Những câu thơ ấy thường ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ. Trong bài viết Những điều trông thấy mà khoan khoái lòng, đăng báo Nhân Dân số ra 16.2.1962, Người ca ngợi những tấm gương sản xuất giỏi đầu xuân Nhâm Dần, rồi vui vẻ kết bằng hai câu lẩy Kiều: Trăm năm trong cõi người ta/ Ra sức thi đua yêu nước, ấy là người khôn! (3)

Đầu năm Nhâm Dần, Bác dành thời gian đến với các chiến sĩ cảnh vệ. Bác dặn chiến sĩ cảnh vệ phải có thái độ tốt với nhân dân, phải giữ bí mật và phải chịu khó rèn luyện, Bác nói: “Người bảo vệ phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khỏe, phải bắn súng giỏi, bơi giỏi, chèo thuyền giỏi…”. (4)

Ngày 2.3.1962 dự hội nghị thi đua của Công an Nhân dân Vũ trang, Bác khen lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo, làm tốt công tác phát triển Đảng, Đoàn. Bác hứa tặng lực lượng một lá cờ thưởng luân lưu và chúc nhiều đơn vị được thêu tên 2, 3 lần… Kết thúc bài nói chuyện, Bác tặng hội nghị bài thơ:

Non xanh, nước biếc trùng trùng,

Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao.

Núi cao, sự nghiệp càng cao,

Biển sâu, chí khí ta soi vào càng sâu,

Thi đua ta quyết giật cờ đầu (5)

Cũng đầu Xuân Nhâm Dần (ngày 14.3.1962), với lối viết hóm hỉnh, trào lộng, dưới bút danh T.L, Bác phê bình cán bộ và nhân dân quê Bác còn phung phí, chưa tiết kiệm qua bài viết Làm thế nào cho lạc thêm vui: Dân Nghệ nhà choa/mỗi năm ăn quà/ Hết chín nghìn bảy (9.720) tấn gang.

Trong bài, Bác giải thích: “Báo Nhân Dân ngày 9.3.1962 có đăng một bài nói ở Nghệ An “trên trời, dưới lạc” từ thành thị đến thôn quê, từ ngoài đường đến trong Chợ đâu đâu cũng làm và bán kẹo lạc. Chí ít mỗi tháng cũng hết 54 tấn lạc, mỗi năm hết 650 tấn. Nếu đưa ra nước ngoài, thì một tấn lạc đổi được 15 tấn gang. Thế là nếu đồng bào Nghệ An chịu khó “thắt lưng buộc bụng” một chút, tiết kiệm lạc để xuất khẩu thì mỗi năm đổi được 9.720 tấn gang. Và nếu đồng bào các nơi đều tiết kiệm lạc, thì mỗi năm chúng ta có thể đổi lấy hàng trăm chiếc máy cày cho nông thôn”. (6)

Bác kết thúc bài viết bằng hai câu thơ, vận rất khéo lối chơi chữ của bà con xứ Nghệ: Làm thế nào cho lạc thêm vui?/Đổi lấy máy móc thì bầy tui quyết làm!

Cũng nhân đây, xin thông tin để mọi người cùng thấy thái độ cầu thị, nghiêm túc, xử sự cực kỳ văn hóa của tác giả T.L, bút danh của Bác Hồ. Đó là một tháng sau khi đăng bài Làm thế nào cho lạc thêm vui, tác giả đã đăng lời cải chính trên số báo ra ngày 17.4.1962, nguyên văn như sau: “Xin lỗi. Trong báo Nhân Dân 14.3.1962 dưới đầu đề “Làm thế nào cho lạc thêm vui”, đúng ra là một tấn lạc đổi được 1,5 tấn (một tấn rưỡi) gang. Vì để sót một dấu phẩy (,) mà viết sai thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận. T.L xin thật thà tự phê bình và xin lỗi các bạn đọc”. (7)

Những vần thơ, bài viết của Bác Hồ dịp Xuân Nhâm Dần 1962 đã làm bừng lên không khí thi đua lao động sản xuất của cán bộ, Nhân dân miền Bắc; đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam chống lại sự vũ trang xâm lược của đế quốc Mỹ.

Một mùa Xuân Nhâm Dần lại tới, đất nước đã hòa bình thống nhất gần nửa thế kỷ, thế và lực nước nhà đã hơn hẳn 60 năm trước. Tuy vẫn còn khó khăn, thách thức, song đồng bào cả nước đang náo nức bước vào năm mới với khí thế thi đua lao động sản xuất mới, tranh thủ vận hội và thời cơ mới, hăng hái tiến lên với niềm tin vẫn vẹn nguyên vào lời chúc của Bác 60 năm trước: “Phải vượt khó khăn hiện tại để hưởng lợi ích muôn đời”.

___________

* Chú thích

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia , H, 2011, tập 13, tr.323, 338, 343, 346, 353, 357 và 379.

TS. Chu Đức Tính Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh