Trăm năm tác giả “Tình ca”

- Thứ Bảy, 13/02/2021, 10:42 - Chia sẻ

Nếu còn sống, năm nay nhạc sĩ Phạm Duy tròn một trăm tuổi. Nhưng ông đã đi vào cõi vĩnh hằng cách đây ít năm, để lại một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và một cuộc đời lao động nghệ thuật ghi dấu ấn khó phai trong lòng công chúng ở cả trong và ngoài nước.

Say mê âm nhạc

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ra trong một gia đình văn nhân tại Hà Nội. Cha ông là nhà văn Phạm Duy Tốn, tác giả truyện ngắn Sống chết mặc bay được coi là truyện ngắn đầu tiên của Việt Nam theo kiểu phương Tây. Anh trai ông là Phạm Duy Khiêm, một trí thức và văn sĩ hiếm hoi thành đạt rất sớm tại Pháp. Người anh này thực sự là chủ gia đình sau khi cha mất (ông Phạm Duy Tốn mất khi Duy Cẩn mới lên 3 tuổi).

Nhờ anh trai, cậu út được ăn học đầy đủ ngay khi còn bé. Cậu học hết tiểu học và được lên trung học, nhưng chưa bao giờ tỏ ra xuất sắc, ngược lại còn hay bị phạt vì những trò nghịch ngợm. Chỉ đến khi vào học lớp nhất trường Thăng Long, Phạm Duy mới học giỏi dần, trở thành một trong những học sinh ưu tú của lớp. Tuy chỉ học một năm nhưng ông cũng đã hấp thụ được nhiều cái hay cái đẹp của văn chương Pháp, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa cổ truyền, trong đó có âm nhạc dân tộc. Mặt khác, ở ông cũng bắt đầu bộc lộ thiên hướng thích biểu diễn, như diễn kịch, làm trò, đánh đàn. Ông biết chơi ghita, manđôlin và có giọng hát dịu dàng, êm ái, đượm buồn.

Mặc dù say mê âm nhạc, song Phạm Duy bị người anh cấm ngặt việc đàn hát. Muốn đánh đàn, chàng nhạc sĩ tương lai phải chờ khi anh trai đi vắng. Có lần, như về sau ông thuật lại, trò Cẩn đang cao hứng chơi manđôlin thì bị anh về bắt được. Người anh tức thì giật phắt cây đàn vứt xuống đất và cho em một trận đòn no...

Chỉ khi đến tuổi trưởng thành, Phạm Duy mới có được cuộc sống độc lập để theo đuổi niềm say mê của mình. Nhưng trước khi đến với âm nhạc, ông còn “loay hoay” với nhiều lựa chọn khác nữa, từ học hội họa ở Hà Nội đến theo các nghề như phụ gánh xiếc, sửa chữa radio, coi sóc trang trại... tại nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên ông sớm nhận ra những thứ ấy không hợp với mình và đã nhanh chóng từ bỏ. Dù sao, việc trải qua nhiều hoàn cảnh sống khác nhau ở nhiều nơi chốn cũng rất có ích cho việc tích lũy vốn sống và thói ưa tự do của Phạm Duy. Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc cổ điển rồi tập sáng tác. Đây là một quá trình vô cùng quan trọng đối với nhạc sĩ, vì trong suốt cuộc đời mình, ông chưa từng học chính quy một trường lớp âm nhạc nào.

Nhạc sĩ Phạm Duy, chiều 30 Tết năm Ất Dậu (2005) ở Hà Nội
Ảnh: Trần Chính Nghĩa 

Nhạc sĩ đa tài

Năm 1941 đánh dấu thời điểm Phạm Duy chính thức đến với âm nhạc với tư cách là một ca sĩ. Giọng hát của ông không chỉ được công chúng đương thời yêu thích mà còn được báo chí đánh giá cao. Nhưng đấy mới chỉ là khởi đầu của một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ rồi sẽ đưa Phạm Duy lên hàng những nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam.

Sinh năm 1921, đến với âm nhạc năm 20 tuổi, Phạm Duy là nhạc sĩ có thời gian hoạt động âm nhạc kéo dài suốt hơn 70 năm, cho đến tận không lâu trước lúc qua đời ở tuổi 92. Chỉ riêng sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết đến hơn 2.000 ca khúc, nếu tính cả các bản do ông sáng tác hoặc viết lời. Trong đó có đến hàng chục ca khúc của các nhà soạn nhạc thế giới được ông đặt lời Việt rất thành công, như bản Dạ khúc của Schubert, Mơ mộng của Schumann...

Với bộ hồi ký bốn tập được đánh giá là hội đủ cả giá trị văn học và giá trị tư liệu, Phạm Duy còn là một nhà văn theo đúng nghĩa. Và đó cũng là lợi thế để ông thể hiện phần ca từ trong các sáng tác của mình cũng như đặt lời cho các bản nhạc nước ngoài với một sự biểu cảm rất cao.

Nhạc sĩ Phạm Duy cùng vợ mới cưới ở chiến khu Việt Bắc, năm 1949. Vợ ông, ca sĩ Thái Hằng, chính là người thể hiện nhiều tác phẩm của ông
Ảnh: Trần Văn Lưu 

Kết hợp nhạc cổ truyền và nhạc hàn lâm

Một điểm nổi bật trong các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy là có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm hưởng cổ truyền của nhạc Việt Nam với những yếu tố hàn lâm của nhạc phương Tây. Trong đó, tình yêu quê hương và tình cảm dân tộc được thể hiện tập trung nhất ở những thể loại âm nhạc mà ông tự đặt ra. Với thể loại “Tình tự dân tộc”, đó là bộ ba ca khúc mang những cái tên rất mộc mạc: Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê. Với “Tình ca quê hương”, đó là các ca khúc Tình hoài hương Tình ca.

Khó có thể nói hết các giá trị trong những sáng tác đó của nhạc sĩ Phạm Duy. Ở đây xin được dừng lại với bản Tình ca, tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Có thể nói, Tình ca kết tụ tình yêu quê hương, đất nước của một người Việt Nam thông qua tình yêu tiếng Việt, tình yêu non sông và tình yêu con người Việt Nam. Tất cả được thể hiện bằng những ca từ rất gợi hình, gợi cảm, chạm đến trái tim của mỗi người bất kể là ai, miễn là mang dòng máu Việt: Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời (lời 1); Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh (lời 2); Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu (lời 3)...

Ra đời năm 1952, đến nay sau gần 70 năm nhạc phẩm Tình ca của Phạm Duy vẫn luôn được nhiều ban nhạc, ca sĩ thể hiện và được công chúng yêu thích. Hẳn không phải vô cớ, năm 2006 một hãng truyền thông đã bỏ ra tới 100 triệu đồng để được quyền sử dụng 10 nốt nhạc đầu của bản nhạc này làm nhạc hiệu...

Nguyễn Huy Thắng