Sương gió biên thuỳ

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 07:09 - Chia sẻ
Tròn 20 năm (2002 - 2022) kể từ ngày công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt – Trung được chính thức triển khai, nhiều kỷ niệm khó quên vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người đã tham gia Nhóm Liên hợp phân giới, cắm mốc ngày ấy.

Ngày 30.12.1999, Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa được ký kết tại Hà Nội; hai bên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa năm 2008 cùng với công tác ký kết, triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền năm 2010 - Đó là những sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu việc lần đầu trong lịch sử hai nước độc lập, có chủ quyền đã hoạch định được một đường biên giới trên đất liền một cách khoa học, công bằng chính xác với hệ thống mốc giới chính quy, hiện đại và bền vững, khép lại quá trình 36 năm đàm phán hoạch định, giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa hai nước.

Sau khi hai bên trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước, đã chính thức thành lập Ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và 12 Nhóm Liên hợp phân giới, cắm mốc để thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc với tổng chiều dài gần 1.450km. Hoàn thành công tác chuẩn bị, từ tháng 10.2002, các Nhóm Liên hợp phân giới, cắm mốc đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Trung.

Đến ngày 23.2.2009, công tác phân giới, cắm mốc trên toàn biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành với 1.970 mốc giới (1.548 mốc chính, 422 mốc phụ, chưa kể 01 mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào). Đoạn biên giới đất liền tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây dài 231,74km, hai bên đã tiến hành cắm 472 mốc (bao gồm cắm 345 mốc chính (trong đó 01 mốc đôi và 02 mốc ba) và cắm 127 mốc phụ, trong đó Nhóm Liên hợp phân giới, cắm mốc số 10 tiến hành phân giới cắm mốc từ mốc số 961 tiếp giáp tỉnh Cao Bằng đến mốc số 1169; Nhóm Liên hợp phân giới, cắm mốc số 11 tiến hành phân giới, cắm mốc từ mốc số 1170 đến mốc số 1300/4 tiếp giáp tỉnh Quảng Ninh.

Hơn tám năm thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa đường giới từ bản đồ Hiệp ước Biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ra thực địa, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này đã bền chí, đồng lòng, vững vàng, kiên định, đồng thời cũng mềm mỏng, khéo léo để hoàn thành tối ưu nhiệm vụ được phân công. Hơn tám năm, là ba nghìn ngày gắn bó với sương gió biên thùy… "Khó khăn hơn cả là khi tiến hành nhiệm vụ trên thực địa có nhiều vị trí địa hình hiểm trở, không có đường giao thông thuận tiện vận chuyển nguyên liệu, phương tiện; lại gặp lúc thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Chưa kể còn bao nhiêu bom mìn, vật cản tại nhiều khu vực chưa được rà phá hết, rất nguy hiểm..." - Ông Nguyễn Hữu Hoành, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phân giới, cắm mốc tỉnh Lạng Sơn; nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn nhớ lại.

Đại tá Trần Văn Điền, nguyên là cán bộ phiên dịch cho Nhóm Liên hợp phân giới, cắm mốc số 11 kể lại: nhiệm vụ đầu tiên của nhóm là đi thực địa khảo sát toàn bộ vị trí các mốc giới dự kiến sẽ cắm và xác định hướng đi của đường biên giới trên bản đồ Hiệp ước so với thực địa trên biên giới. Hồi đó chưa có đường vành đai biên giới như bây giờ, chủ yếu đi theo đường tuần tra biên giới của lực lượng biên phòng, theo lối mòn, xác định sơ bộ vị trí mốc giới rồi mở đường xương cá đến vị trí mốc đã được xác định trên bản đồ Hiệp ước. Công tác khảo sát này tự mỗi bên tiến hành đơn phương trong vòng khoảng gần một năm. Sau đó đến tháng 10.2002 thì hai bên (Việt Nam - Trung Quốc) chính thức gặp gỡ nhau trên biên giới để tiến hành nhiệm vụ phân giới, cắm mốc.

Mốc 1300 đoạn Lạng Sơn - Quảng Ninh

Ảnh: Minh Quý 

Cột mốc đầu tiên cắm trên thực địa của Nhóm Phân giới cắm mốc số 11 là cột mốc số 1170. Khi đó cả Nhóm Phân giới cắm mốc ở trọ nhà bác Triệu Văn Quốc - Trưởng thôn Pò Nhùng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc. Nhà ông Quốc có thể nói là to rộng nhất thôn Pò Nhùng thời đó, là một ngôi nhà lợp ngói âm dương, trình tường đất, chủ nhà nhường toàn bộ không gian ngôi nhà cho nhóm cán bộ, còn gia đình bác thì sang nhà con trai gần đó. Cả nhóm ăn nghỉ tập trung suốt mấy tháng mùa đông năm đó và mùa xuân năm sau. Sát bên cạnh nhà, ngay sau bức tường có cửa sổ là chuồng trâu của gia đình bác Quốc, nuôi tới sáu, bảy con trâu. Vào buổi chiều tối, trâu về chuồng dẫm đạp hố phân, mùi phân trâu bốc lên nồng nặc. Thế mà lâu dần thành quen...

Tiến độ nhanh hay chậm của công tác phân giới cắm mốc phụ thuộc vào sự nhất trí của Nhóm Phân giới cắm mốc của hai bên, nếu một bên không có thiện ý giải quyết thì bên kia không thể đẩy nhanh tiến độ được. Ngay ngày đầu tiên lên biên giới gặp nhau làm việc, hai bên xác định ngay được vị trí cắm mốc số 1170 và phân giới được khoảng 400 mét đường biên giới. Trước thuận lợi đó, tưởng rằng chỉ trong ba năm sẽ hoàn thành kế hoạch công tác phân giới cắm mốc, thế nhưng khi phân giới đến gần vị trí mốc số 1171, hai bên có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới trên thực địa nên vị trí mốc số 1171 - 1772 không xác định ngay được mà phải kéo dài tới gần hai năm mới giải quyết xong. Sau đó, Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc rút kinh nghiệm, thống nhất chủ trương chuyển chiến lược cuốn chiếu từ Tây sang Đông sang chiến lược “dễ làm trước, khó làm sau” để đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc.

 "Có hai lần “suýt chết”, tôi nhớ mãi. Một lần, tôi được giao nhiệm vụ theo Đoàn kiểm tra kết quả phân giới cắm mốc từ mốc số 1211 đến mốc số 1214 trên đỉnh Mẫu Sơn. Khi đó là mùa đông, nhiệt độ xuống tới âm 2 độ C, đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, rừng núi Mẫu Sơn trắng một màu băng giá. Sau khi kiểm tra mốc số 1214, mọi người xuống chân núi nghỉ ăn cơm trưa, tôi định lấy cơm ra ăn nhưng vì gió to quá, tôi tính quay về mới ăn. Trên đường quay về, Đoàn leo lên đỉnh núi kiểm tra vị trí mốc 1112, tôi ở dưới chân núi đợi, do ngồi nghỉ không vận động, lúc này bắt đầu thấy đói và rét run nên mới lấy cơm trong ba lô ra ăn nhưng gói cơm lạnh ngắt, nước trong bi đông cũng lạnh như băng, tôi bèn uống tạm hộp sữa tươi lúc này cũng đã lạnh ngắt. Uống xong, tôi thấy người run cầm cập, bị cảm lạnh, co quắp cả chân tay, đổ gục ngay tại chỗ. May mắn lúc đó có đồng chí cán bộ Đồn Biên phòng Ba Sơn đứng đợi cùng, dìu tôi đến chỗ khuất gió, xoa dầu gió, nắn bóp tay chân cho tôi. Sau đó dìu tôi xuống núi trước, gặp các đồng chí lái xe đang ở chân núi đợi đoàn, tôi được sưởi ấm và đưa về lán nghỉ, ăn bát cháo nóng mới tỉnh lại - Đại tá Trần Văn Điền kể.

 "Một lần khác là vào khoảng giữa năm 2005, chúng tôi nhận nhiệm vụ đưa Đoàn cán bộ của Ban Biên giới Chính phủ đi kiểm tra thực địa đoạn biên giới khu vực vị trí mốc số 1195 - 1196. Sau khi đến thực địa mốc số 1195 - 1196 tiến hành đo đạc kiểm tra xác định địa hình địa vật gần xong thì trên trời mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp đì đùng, cả đoàn vội vàng thu dọn máy móc, nhanh chóng lên xe rời thực địa. Xe tôi đi đầu gồm 4 người. Đi được một đoạn, mưa bắt đầu trút xuống xối xả, do đường mới san gạt và lại đi ngược dốc nên bánh xe trơn trượt quay tít. Sau khi đẩy xe qua dốc đến suối Bản Pèng thì gặp nước lũ từ dãy núi Mẫu Sơn dồn xuống, cuồn cuộn chảy về. Cực chẳng đã, chúng tôi quyết định bơi qua suối. Lần lượt ba người bơi sang trước, tôi bơi sau cùng, quan sát thấy họ bơi vượt qua nước lũ đơn giản nhẹ nhàng, tôi liền buộc ba đôi giày lại và cứ thế bơi một tay. Ai dè khi xuống nước, sáu chiếc giầy ngấm nước nặng trĩu, kéo tôi chìm xuống. Thế là tôi thả mình trôi theo dòng, không ngờ trôi xa tới hơn trăm mét, cho đến khi may mắn gặp một rặng cây sà xuống mặt nước để neo lại và được đồng đội giải cứu sau đó...” - Đại tá Trần Văn Điền nhớ lại.

Cho tới tận bây giờ, Đại tá Điền mới thực sự lấy làm tiếc vì đã không còn giữ được kỷ vật gì của những năm công tác đó. Cái bi đông đựng nước anh thường xuyên mang bên mình, cây gậy chống bằng trúc hay một loài tre nhỏ, tự tay anh đẵn trên đỉnh núi Mẫu Sơn, thân thẳng vàng óng và cứng như thép, "có lẽ dễ phải có tuổi đời cả trăm năm ấy chứ! Thế mà rồi tôi để thất lạc mất!".

"Điều làm tôi ghi nhớ nhất là lời dặn dò của Phó Giám đốc Công an tỉnh Phùng Thanh Kiểm khi gặp tôi giao nhiệm vụ: “Chúng ta phải thống nhất về nhận thức rằng đây là một cơ hội, một thời cơ lịch sử, cần sớm kết thúc công tác phân giới cắm mốc với anh bạn lớn càng nhanh càng tốt”. Đến nay ngẫm lại, tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng..."

Bút ký của Vi Thị Thu Đạm