Mối lương duyên đặc biệt

- Thứ Hai, 08/02/2021, 08:59 - Chia sẻ

Bắt đầu từ một giấc mơ, thực hiện ước nguyện của chị gái, đến tham gia các dự án trao đổi văn hóa - giáo dục giữa hai nước, rồi chuyển sang sống, làm việc tại Hà Nội, với TS Seung Yong Uhm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển vốn con người Việt - Hàn, Việt Nam rất đặc biệt và giờ là quê hương thứ hai của ông.

Từ một giấc mơ kỳ lạ

“Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, sáng tạo những giá trị mới, đó mới là sống. Miễn là còn có những điều ý nghĩa và giá trị, miễn là tôi còn có thể chia sẻ chúng với nhiều người, tôi sẽ luôn tiến về phía trước mà không hề sợ hãi”.

TS Seung Yong Uhm

TS Seung Yong Uhm tiếp chúng tôi sau khi ông vừa từ Seoul trở lại Hà Nội. Ông kể về 2 tuần cách ly một cách vui vẻ, mặc dù không thoải mái lắm nhưng “quãng thời gian đó giúp tôi sống chậm lại, tĩnh tâm suy nghĩ về mọi thứ”. Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông tới Việt Nam, ông im lặng giây lát rồi nói: “Tôi có thể kể một câu chuyện gia đình được không? Đây là lần đầu tiên tôi kể câu chuyện này với một nhà báo nước ngoài”.

Và rồi, chiếc rương ký ức của ông dần được mở ra…

“Xưa gia đình tôi sống trên vùng núi cao ở Hàn Quốc, rất nghèo. Tôi có một chị gái hơn tôi 4 tuổi và trên nữa còn có một anh trai. Bố tôi là họa sĩ, chuyên vẽ tượng Phật cho những ngôi chùa lớn trong vùng. Khi sinh tôi, mẹ phải xuống tận thị trấn. Lúc đó bố tôi đang thực hiện một dự án lớn nên không có ở nhà. Chị tôi bị bệnh sởi, nhưng anh trai còn nhỏ, không biết cách chăm sóc em. Ngày tôi chào đời cũng là ngày chị qua đời. Cho đến tận sau này, mẹ thường nhắc đến chị với nỗi day dứt; còn với tôi, chị có ý nghĩa đặc biệt, là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi.

Lớn lên, tôi thi đỗ làm công chức chính phủ Hàn Quốc. Đây là kỳ thi rất khó tại Hàn Quốc, vì vậy, mẹ tôi mừng lắm, đến nỗi nó đi vào cả giấc mơ của bà. Mẹ kể, chị tôi đã trở về trong giấc mơ ấy, nói với bà rằng, Seung Yong nên đến… Việt Nam. Bạn chắc rất ngạc nhiên, tôi cũng vậy. Trước đấy, trong đầu tôi chưa từng xuất hiện cái tên Việt Nam. Đó là thời điểm năm 1986 - 1987. Và tôi lên kế hoạch phải sang Việt Nam, để thực hiện ước nguyện của chị tôi. Việt Nam trở nên đặc biệt với tôi cũng bởi điều đó…”

“Kiến thức và trải nghiệm mới quan trọng”

Lên kế hoạch là vậy nhưng cũng phải hơn 20 năm sau, TS Seung Yong Uhm mới thực hiện được. Năm 2014, lần đầu tiên ông sang Việt Nam, với tư cách chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). “Một Việt Nam hoàn toàn khác với những gì tôi từng nghĩ và từng biết qua sách vở, phim ảnh, theo chiều hướng tích cực. Thực ra, cho đến tận bây giờ, nhiều người ở các vùng nông thôn Hàn Quốc vẫn nghĩ Việt Nam là chiến tranh, nghèo đói, trong khi các bạn là một đất nước năng động, phát triển, con người thân thiện, mến khách”.

TS Seung Yong Uhm nhớ lại, khi đó khoản viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam khá lớn, theo hình thức không hoàn lại. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và tìm hiểu thực tiễn, ông thấy rằng, để hiệu quả và bền vững hơn, không gì bằng thông qua các chương trình đào tạo, trao đổi văn hóa, “bởi kiến thức và trải nghiệm của người dân mới quan trọng, chứ không hẳn là tiền”.

Do từng làm việc ở Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, nên TS Seung Yong Uhm đã đề xuất chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên với Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ban đầu là giúp giảng viên Học viện tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại, bao gồm phương pháp lớp học đảo ngược, từ đó đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và nghiên cứu (mô hình 3M), đem đến những tiết học thú vị và hiệu quả hơn.

Liên tiếp trong nhiều năm, ông chọn đưa một số sinh viên giỏi của Hàn Quốc sang trải nghiệm văn hóa Việt Nam, tham gia các khóa học ngắn hạn vào mùa hè, thậm chí trở lại thực tập và làm việc tại Việt Nam; đồng thời cũng đưa hàng trăm học viên Việt Nam sang Hàn Quốc tập huấn, nâng cao trình độ. Ngay cả khi không còn làm chuyên gia của KOICA, TS Seung Yong Uhm vẫn duy trì cách làm này và giữ mối liên hệ với Việt Nam cho đến tận bây giờ. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án ý nghĩa. Tôi thực sự hạnh phúc khi làm việc với những người bạn Việt Nam”.

TS Seung Yong Uhm (bìa phải) tại sự kiện của Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa

Ngày càng gần gũi và gắn bó

Từ cuối năm 2019, TS Seung Yong Uhm sang sống và làm việc tại Việt Nam, thành lập Công ty Cổ phần Phát triển vốn con người Việt - Hàn, cung cấp các dịch vụ đào tạo bài bản, chất lượng cao, chú trọng đào tạo “vốn con người” để phát triển, tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. Thông qua nền tảng giáo dục mở, có sự tham gia của các chuyên gia hai nước, ông mong muốn mang đến nhiều cơ hội lựa chọn đa dạng cho học viên, “giúp giới trẻ Việt Nam và Hàn Quốc dẫn đầu thế giới”.

Mới đây, Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc mà ông là Chủ tịch cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi với Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa của Việt Nam, chia sẻ tầm nhìn về giá trị của văn hóa và di sản văn hóa trong việc tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn trong quá trình phát triển bền vững. Việc hợp tác này sẽ mở rộng cơ hội thực hiện và triển khai các dự án, chương trình nhằm bảo tồn và khai thác các nguồn lực văn hóa tại Việt Nam.

 TS Seung Yong Uhm cho rằng, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng đã đến lúc họ phải thay đổi cách suy nghĩ. “Hãy tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam, để từ đó duy trì mối quan hệ làm ăn lâu dài, thay vì chỉ chăm chăm tìm cách kiếm lợi nhuận. Bởi một khi đã hiểu nhau, có ý thức học hỏi lẫn nhau thì công việc làm ăn sẽ tốt hơn, đầu tư hiệu quả và bền vững hơn”.

Bây giờ Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của ông. “Chẳng có gì thay đổi so với những gì tôi biết về đất nước các bạn sau thời gian đi đi về về từ năm 2014. Có chăng chỉ là Việt Nam đã trở nên thân quen, thoải mái hơn. Mặc dù tôi chỉ nói được tiếng Hàn và tiếng Anh, và mọi người vẫn hiểu tôi, nhưng tôi đã lên kế hoạch, quyết tâm học tiếng Việt, để hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam, từ đó có thể gắn bó hơn. Con trai tôi cũng đang có một công việc tốt tại Việt Nam và cảm thấy hạnh phúc khi sống ở đây”.

Nhờ có những người bạn Việt Nam tuyệt vời, TS Seung Yong Uhm đã được đón những cái Tết Việt thật ý nghĩa. Ông đặc biệt thích các món ăn ngày Tết của Việt Nam, nhất là bánh chưng. “Tôi từng học gói bánh chưng cùng gia đình thầy Phạm Minh Sơn (hiện là Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - PV), được gia đình thầy Trương Ngọc Nam (nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - PV) mời xông đất vào đúng giao thừa. Tôi thực sự cảm thấy vinh dự và tự hào vì điều đó”.

Năm nay, ông dự định ăn Tết cùng gia đình một người quen ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. “Tôi nghe nói cách ăn Tết ở miền Bắc và miền Nam có sự khác nhau, đây sẽ là dịp để tôi trải nghiệm và khám phá điều đó”.

Đỗ Vũ