LÀM nghệ thuật thời Covid: Thích nghi với tình hình

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 06:51 - Chia sẻ

Covid-19 bất chợt ập đến, liên tục diễn biến khó lường, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Sân khấu gần như đóng băng suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian các nghệ sĩ, đơn vị làm nghệ thuật nỗ lực sáng tạo để giữ kết nối với công chúng của mình. Có cách làm chỉ mang tính ứng phó tạm thời, nhưng cũng đã xuất hiện hướng đi mới, dài lâu, dẫu vẫn còn không ít gian nan.

Nguồn: Nhà hát Chèo Việt Nam

“Khi được giao nhiệm vụ tham gia minishow 'Giữ lửa đam mê', tôi đã lên sẵn kịch bản cho mình, với mong muốn chương trình phong phú, nhiều màu sắc, các làn điệu mang tính hài hước, châm biếm, trữ tình, tự sự… Âm thanh, ánh sáng cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi đề nghị anh em nhạc công hỗ trợ, không sử dụng nhạc beat như nhiều chương trình trước đó. Mọi người cùng luyện tập, ghép nhạc ổn và sẵn sàng biểu diễn livestream. Nhưng 'trăm tính không bằng trời tính', khi bắt đầu kết nối trực tiếp để biểu diễn thì đường ra âm thanh livestream bị lỗi, mất thời gian khắc phục, khiến khán giả phải chờ đợi” - nghệ sĩ Văn Phương kể lại kỷ niệm lần đầu biểu diễn trong chương trình phát trực tiếp trên Fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Minishow lên sóng giữa những ngày Hà Nội và cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Chèo Việt Nam Vũ Hương Lan cho biết: “Trong mùa dịch, sân khấu ít hoạt động biểu diễn. Đoàn Thanh niên của Nhà hát đã nảy ra ý tưởng biểu diễn giao lưu trên Fanpage. Ban đầu dự kiến nghệ sĩ và người dẫn chương trình tương tác trực tiếp với khán giả từ sân khấu của Nhà hát. Tuy nhiên trong điều kiện mọi người hạn chế tối đa ra ngoài, cuối cùng, phương án nghệ sĩ livestream tại nhà được Ban Giám đốc Nhà hát phê duyệt và nhanh chóng triển khai chỉ sau ba ngày lên kế hoạch”.

Nhiều năm gắn bó với chèo, nghệ sĩ Văn Phương cho rằng, biểu diễn trên sân khấu có các yếu tố trợ giúp để nghệ sĩ cháy hết mình, thăng hoa, trong khi livestream tại nhà, nghệ sĩ hát một mình, qua màn hình điện thoại thông minh để tương tác với khán giả là một thiệt thòi, nhất là khi hệ thống âm thanh, đường truyền trục trặc. “Trong buổi diễn của tôi, khán giả yêu cầu hát làn điệu chèo có lời mới về phòng chống Covid-19, nhưng nghẽn mạng khiến beat nhạc tải xuống chậm, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả...”.

Dẫu vậy, từ cuối tháng 8 đến hết năm 2021, minishow “Giữ lửa đam mê” đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, là điểm hẹn với khán giả yêu chèo vào tối Chủ nhật hàng tuần, trong đó có cả những người ở thủ đô Berlin (Đức) xa xôi.

Sau 7 minishow, Gala “Giữ lửa đam mê” được tổ chức tại Nhà hát, khi Hà Nội trong trạng thái bình thường mới. Chương trình cũng được nâng cấp, dự kiến biểu diễn mỗi tháng một lần, nghệ sĩ diễn trực tiếp trên sân khấu như mô hình Nhà hát online. “Đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát lúc nào cũng sẵn sàng. Dù quen diễn trực tiếp, nghe tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, song trong tình hình mới, nghệ sĩ cũng phải làm quen, thích nghi dần với bối cảnh biểu diễn, tương tác qua nền tảng trực tuyến” - chị Vũ Hương Lan bày tỏ.

Thích nghi là vậy, nhưng biểu diễn trực tuyến có thay thế biểu diễn trên sân khấu hay không? Khán giả có sẵn sàng mua vé xem biểu diễn online không? Xem biểu diễn trực tuyến chất lượng tốt như xem trực tiếp không? Bao nhiêu người chọn mua vé thay vì bật Youtube xem chèo?

Khác với điện ảnh, truyền hình, khán giả là yếu tố quan trọng với sân khấu, là chất xúc tác để nghệ sĩ thăng hoa. Sự tương tác trực tiếp với diễn viên cũng sẽ tác động tới cảm xúc của khán giả. Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của vở diễn. Bởi vậy, “chuyển đổi số, có doanh thu trên nền tảng này vẫn là câu hỏi lớn với nghệ thuật sân khấu” - chị Vũ Hương Lan nhận định.

Ngọc Phương