Bộ tranh "Thập mục ngưu đồ"

Hành trình tìm kiếm tri thức

- Thứ Hai, 08/02/2021, 09:01 - Chia sẻ

Người xưa ví tiến trình tìm kiếm tri thức giống công việc chăn trâu thông qua bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" nổi tiếng. Mười bức tranh tinh tế và sống động này xuất phát từ Thiền tông của Phật giáo từ lâu đời, thể hiện mười giai đoạn với sự nỗ lực cao nhất để đạt đến mục tiêu, ứng dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội mà không làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên.

1. Tìm trâu - tiếp nhận có chọn lọc

Trâu vốn có đặc tính hoang dã, phải được huấn luyện và thuẫn dưỡng mới có thể trở thành động vật hữu ích. Tâm trí của con người cũng vậy, tiếp nhận kiến thức từ môi trường bên ngoài phải biết cách thanh lọc. Bức tranh “Tìm trâu” giúp chúng ta phát hiện mình đã sai ở đâu để điều chỉnh, hoặc dừng lại suy ngẫm, tránh bị rơi vào tình trạng bối rối, tự ti và mất phương hướng.

Người tìm trâu tức tìm kiếm kiến thức mà người đó mong muốn học hỏi. Tuy nhiên, ở đây cần hiểu, tìm kiến thức thì vẫn chưa phải kiến thức thật sự, mà chỉ là hình bóng của nó. Cho nên, chúng ta phải bước qua giai đoạn thứ hai.

2. Thấy dấu - ấn tượng và mong cầu

Qua nỗ lực tìm kiếm, học hỏi, ta có thể phát hiện dấu hiệu của tri thức, cho dù chưa phải kiến thức thật sự nhưng để lại ấn tượng trong tinh thần và mong muốn đạt được. Điều này tương tự như khi chúng ta tìm thấy dấu chân trâu. Thế nhưng, cần chú ý, ấn tượng về tri thức phải thích hợp với bản thân và khả năng phấn đấu để đạt được một cách chân chính, chứ không phải kiến thức mơ hồ hoặc vượt ra ngoài khả năng tiếp nhận. Có như vậy chúng ta mới phấn đấu học tập và hiểu được mục tiêu cần tìm kiếm.

3. Thấy trâu - cảm hứng và động lực

Nỗ lực học tập, truy cầu kiến thức không dễ, phải trải qua quá trình tìm hiểu, học hỏi và suy nghiệm. Giai đoạn này hoàn toàn nằm ở phương diện lý thuyết. Thấy trâu tức là chúng ta bước vào hành trình tìm kiếm tri thức và định hướng cho chính mình. Do chỉ là lý thuyết nên phải trải qua thực nghiệm hoặc lý giải, mặc dù chưa tạo thành kiến thức đầy đủ nhưng tạo cảm hứng và động lực để phấn đấu và thực hiện mong muốn. Hiểu được lý thuyết để ứng dụng vào thực tiễn, đây chính là giai đoạn chuẩn bị tiếp cận kiến thức.

4. Được trâu - tận dụng cơ hội

Bằng mọi cố gắng của bản thân, người truy cầu tri thức đã tìm thấy con đường và tiếp cận mục tiêu, tức đã có được trâu. Trên thực tế, để đi đến kết quả, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tập trung vì rất dễ nản lòng và thiếu kiên nhẫn. Cũng vậy, do mục tiêu không hợp tác và khó tiếp cận, tuy có được trâu, nhưng người chăn trâu phải tìm biện pháp đưa trâu về. Đây là giai đoạn quan trọng, vì vậy chúng ta phải tận dụng cơ hội để đạt được kiến thức thực thụ.

Không có kết quả nào mà không cần nỗ lực, học hỏi, do đó hãy cẩn thận đừng để trâu chạy mất.

5. Chăn trâu - ứng dụng phù hợp

Có được trâu ắt hẳn phải bỏ công chăm sóc và thuần dưỡng. Có được tri thức, chúng ta phải biết cách để đưa vào ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh và công việc, không để tri thức lãng phí. Thực tế, chúng ta cần cố gắng hơn nữa, cẩn thận suy xét vấn đề và chỉnh sửa những chỗ chưa hoàn thiện, toàn tâm toàn lực để hoàn thành công việc, giống như giữa trâu và người chăn trâu luôn được ràng buộc bởi một sợi dây, không để trâu hoang dã như trước.

6. Cưỡi trâu về nhà - làm chủ cuộc sống

Nhờ sợi dây mà chúng ta cưỡi được trâu về nhà. Trong cuộc sống, chúng ta cần đến sợi dây này để làm chủ cuộc sống, công việc và giao tiếp. Chính xác, cưỡi trâu là một nghệ thuật, ý thức được tính tự nhiên, vui vẻ và hòa đồng với trâu. Đối với con người, phải luôn nỗ lực, rèn luyện tác phong và trải nghiệm thành công cũng như thất bại. Luôn hiểu rằng đạt đến thành công là điều không dễ, gặp khó khăn phải quyết vượt qua, không trách mình, không trách người, không trách hoàn cảnh, mọi thứ đều có giá trị của nó.

7. Quên trâu, còn người - cống hiến và chia sẻ

Giai đoạn này là sự thành tựu của cuộc sống, chia sẻ niềm vui chan hòa của cá nhân đối với gia đình, bạn bè và xã hội. Bất kỳ ai, kể cả các bậc vĩ nhân đều trải qua cố gắng của bản thân mới thành tựu mục tiêu. Ở giai đoạn này ta hiểu được niềm vui của chính mình, biết sống với chính mình nhưng không xa rời cống hiến và chia sẻ tình cảm, vật chất với người khác cũng như cộng đồng. Đây là nghệ thuật sống và cuộc đời là một tác phẩm nghệ thuật chân thật.

8. Người và trâu đều quên - biết lắng nghe và cảm ơn 

Công việc nào cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác, hay nói cách khác, thành tựu trong công việc là thành tựu của cá nhân trong một tập thể. Đối với phương diện tri thức, con người phải biết lắng nghe và học hỏi từ người khác mới có được kiến thức chân thật và đúng đắn. Ta phải biết cảm ơn mọi người, nhờ họ mà ta có được thành tựu hôm nay, cho nên không giữ kiến thức đó cho riêng mình mà phải biết chia sẻ. Hơn nữa, chúng ta phải biết rộng lượng đối với người khác, giúp họ có cơ hội tiến bộ như chính mình.

9. Quay về cội nguồn - dựa vào thiên nhiên

Cội nguồn ở đây ý nói thiên nhiên, con người phải sống hài hòa với thiên nhiên, vì thiên nhiên đã nuôi dưỡng con người, hay nói cách khác thiên nhiên là sự sống của con người. Hiểu được như vậy là mở ra một chân trời mới, biết học hỏi thiên nhiên nhiều hơn và hết lòng bảo vệ thiên nhiên.

Bản chất của tự nhiên là luôn vận động và làm mới, cho nên con người cũng cần có kiến thức mới, luôn học hỏi và không ngừng rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần. Muốn đạt được điều này, chúng ta phải dựa vào thiên nhiên, loại bỏ ý thức cho mình là trung tâm và chống lại thiên nhiên. Con người và thiên nhiên là một.

10. Vui vẻ với cuộc đời

Mối quan hệ phụ thuộc qua lại giữa con người với con người là mối quan hệ tự nhiên. Qua quá trình tìm tòi, học hỏi để có được kinh nghiệm và tri thức, chúng ta cần vận dụng tri thức đó vào cuộc sống, mang lại đời sống tốt đẹp cho cá nhân và xã hội, đó là điều ý nghĩa nhất. Chúng ta nhận kiến thức từ người khác thì phải biết truyền lại cho thế hệ sau, chia sẻ kiến thức, vật chất và tình yêu với mọi người.

Tóm lại, học tập làm cho chính mình hoàn thiện; vui vẻ, giúp đỡ và hòa đồng với người khác là niềm hạnh phúc; hỗ trợ nhau trong công việc và truyền trao kiến thức là cống hiến cho xã hội và làm đẹp cho đời; sống biết đủ, chia sẻ và không ích kỷ là bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Thích Thiện Chánh