Chống tham nhũng vào giai đoạn mới

- Thứ Năm, 30/06/2022, 05:17 - Chia sẻ

Rất nhiều kỳ vọng gửi đến hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 diễn ra hôm nay, đặc biệt khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri gần đây nói rằng “sẽ có một giai đoạn phát triển mới, tiến bộ hơn” trong công tác này.

Trước thềm hội nghị, Ban Nội chính Trung ương đã cung cấp một số kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.

Theo đó, trong 10 năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý; trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44,7 nghìn tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975 nghìn tỷ đồng và gần 76 nghìn hecta đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý…

Kết quả này là bằng chứng có tính thuyết phục cao nhất cho quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta; cho tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Nhờ đó, niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta ngày một lớn hơn, vững chắc hơn.

Ở khía cạnh khác, việc hàng nghìn đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, nhiều người phải ngồi tù, trong đó có những cán bộ cấp cao, cũng gợi nhiều trăn trở. Mất tài sản đã đành một lẽ, mất cán bộ còn đau xót hơn! Bất cứ ai để được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo đều phải trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu không hề đơn giản và một quy trình xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, nhiều tầng lớp. Vậy mà khi nắm quyền lực trong tay, nhiều người đã không cưỡng lại được sự cám dỗ của vật chất, đồng tiền. Nhiều cán bộ cấp cao phải trả giá đắt vì tham nhũng nhưng vẫn có những người đi sau không tránh được vết xe đổ? Phải chăng, thời gian biến đổi con người theo nhiều cách khác nhau, luật pháp lỏng lẻo đã “dung dưỡng” và “kích động” lòng tham của con người, hay còn có những nguyên nhân khó nói khác?

Việc đã làm được, những hạn chế và bài học kinh nghiệm chắc chắn sẽ được mổ xẻ tại hội nghị hôm nay - với sự tham dự của 81 nghìn đại biểu trên cả nước, để từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu của quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước mắt, việc ưu tiên xử lý nhanh và nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực vẫn rất quan trọng. Một mặt, đây là cách trực tiếp góp phần giải quyết những bức xúc nóng nhất của người dân, mặt khác là lời cảnh báo nghiêm khắc với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đang nắm trong tay quyền lực.  

Tuy nhiên, chống tham nhũng không chỉ là xử lý các vụ án, vụ việc mà còn là “xây”: “xây” thể chế,  “xây” đạo đức công vụ, “xây” thiết chế giám sát từ bên ngoài bộ máy nhà nước. Trong giai đoạn mới, chống tham nhũng cần tập trung vào phần “xây” để tham nhũng không còn “đất” nảy nở, sinh sôi.

Bởi lẽ, nếu xử lý án có tác dụng lớn trong việc trừng phạt và răn đe những cán bộ nhà nước có ý định vi phạm pháp luật thì ý nghĩa lớn hơn của sửa đổi pháp luật và thể chế là để ngăn ngừa từ gốc mầm mống phát sinh tội phạm cũng như bảo vệ nguồn cán bộ của Đảng. Việc lựa chọn cán bộ vừa hồng vừa chuyên tuy quan trọng nhưng cũng không thể dựa vào đạo đức công vụ để chống tham nhũng. Chỉ có giám sát tốt hơn mới giúp triệt tiêu “cơ hội” lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân.  

Thiết kế, xây dựng cho được những “nút chặn” tham nhũng như vậy là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn mới. Có như vậy mới giúp nâng cao hiệu quả và tính bền vững của công tác chống tham nhũng, tiêu cực và công tác xây dựng Đảng.

Hà Lan