Từ “sách” nghĩ về giám sát cung ứng dịch vụ công

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 05:22 - Chia sẻ

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thông tin các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục - doanh nghiệp nắm phần lớn thị trường sách giáo khoa của Việt Nam. Trong bối cảnh học phí đang “rục rịch” tăng, chi phí thiết bị giáo dục - gồm sách và dụng cụ học tập cũng tăng giá, việc tài chính không minh bạch của doanh nghiệp này là điều cử tri không thể hài lòng.

Nhiệm vụ trước hết của một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xuất bản sách và cung cấp thiết bị học tập cho học sinh chắc chắn không phải là theo đuổi lợi nhuận, mà là bảo đảm cho học sinh được tiếp cận tài liệu học tập với chi phí phải chăng. Dịch vụ giáo dục là dịch vụ công, và sách vở là một phần của dịch vụ đó, chứ không phải chỉ là học phí. Nhiệm vụ của một doanh nghiệp nhà nước do đó sẽ khác với doanh nghiệp xuất bản tư nhân thông thường. Tuy nhiên, thông tin tài chính của doanh nghiệp này lại “tiền hậu bất nhất” và thiếu rõ ràng.

Theo công bố thông tin của chính Nhà xuất bản Giáo dục, doanh thu của doanh nghiệp này liên tục tăng trưởng từ 2015 đến 2019 - năm gần nhất doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh. Lợi nhuận giai đoạn 2017 - 2019 công bố đều trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng ban lãnh đạo Nhà xuất bản từng cho biết, việc làm sách giáo khoa là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán, thậm chí mỗi năm còn bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành sách giáo khoa. Vậy đâu mới là kết quả kinh doanh thực sự của doanh nghiệp?

Điều đáng nói thêm là doanh nghiệp này cũng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin cho công chúng khi kết quả kinh doanh các năm 2020, 2021 (thể hiện qua báo cáo tài chính) đều không được công bố. Như vậy, việc vi phạm pháp luật về công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước, sự thiếu thống nhất trong các thông tin đưa ra khiến cử tri có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của doanh nghiệp này. Ngay tại thời điểm này, hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được tiến hành, nhưng cũng cần xem xét lại trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò cơ quan chủ quản khi không giám sát trách nhiệm công bố thông tin của một đơn vị trong thẩm quyền quản lý của mình.

Câu chuyện của Nhà xuất bản Giáo dục cũng gợi mở đến vấn đề rộng hơn, đó là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích khác. Những sai phạm ở hệ thống bệnh viện công, gần đây nhất là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội… cho thấy tình trạng lộn xộn của dịch vụ y tế công lập. Nhìn sang ngành nước sạch, câu chuyện nước sinh hoạt “có dầu” ở Hà Nội cách đây vài năm cũng cho thấy quản lý chất lượng của dịch vụ công về nước sạch là có vấn đề.

Nếu câu chuyện của Nhà xuất bản Giáo dục cho thấy đơn vị này đang xa rời mục tiêu và chức năng chính trong việc thay mặt cho Nhà nước bảo đảm trách nhiệm cung ứng hàng hóa công khi đơn vị này lợi dụng vị thế độc quyền ngành của mình để thu lợi; thì câu chuyện của ngành y tế khi lãnh đạo bệnh viện thông qua hợp tác - gọi đúng bản chất là “móc ngoặc” với tư nhân để trục lợi trên túi tiền và nỗi đau của người bệnh.

Tổ chức cung ứng dịch vụ công theo mô hình thị trường - dùng các quan hệ kinh tế thị trường để nâng cao độ phủ dịch vụ và chất lượng dịch vụ là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Nhưng cách làm trên thực tế đang có những vấn đề đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ.

Hy vọng rằng, những mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội sẽ cho phép nhìn thẳng thắn vào vấn đề quan trọng này. Từ đó, việc thực hiện cung ứng dịch vụ công - một chức năng cơ bản của mọi nhà nước, sẽ được thực hiện tốt để bảo đảm quyền lợi của mỗi công dân - mỗi cử tri.

CẨM PHÔ