Tranh luận cởi mở - tín hiệu đáng mừng!

- Thứ Ba, 17/05/2022, 05:20 - Chia sẻ

Dù triển lãm của họa sĩ Mai Duy Minh bị/được Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội yêu cầu tạm hoãn trước giờ khai mạc, không thể giới thiệu trực tiếp tác phẩm tới công chúng như dự định, nhưng việc tranh luận về những tác phẩm cho triển lãm, dù theo hướng yêu hay ghét cũng là điều rất đáng mừng.

Điều ngạc nhiên là có nhiều ý kiến, dù bênh vực hay chê bai, đều cố hùng biện cho “chân lý đúng” của mình, thậm chí với lời lẽ gay gắt, nếu không muốn nói là cực đoan.       

Trong bất cứ cuộc tranh luận nào, chúng ta không được quên những nguyên tắc chung, cơ sở xuất phát điểm của vấn đề, mà trong trường hợp này là Mỹ thuật - Hội họa. Trước tất cả quá trình sáng tạo, truyền tải và tiếp nhận nội dung, cảm xúc, thì chúng ta (họa sĩ cũng như người am hiểu hội họa) cần hiểu rõ vấn đề, nguyên tắc cơ bản trong việc sáng tác cũng như phân tích một tác phẩm hội họa

 HỘI HỌA là một ngành khoa học nghiêm túc với những kỹ năng cơ bản mà họa sĩ cần kiên trì học hỏi, rèn luyện và tìm cách thể hiện được cái tôi cá nhân trong những nguyên tắc chung. Các yếu tố kỹ thuật cơ bản về hình học, bố cục, màu sắc, cách thể hiện không gian xa gần đóng vai trò nhất định trong một tác phẩm hội họa. Họa sĩ có thể hiện tốt những yếu tố kỹ thuật cơ bản không? Cái hay, cái tài được thể hiện qua những yếu tố này như thế nào? Họa sĩ đang hay đã định hình cho mình một phong cách riêng?

Tiếp đó, là yếu tố cá nhân, yếu tố sáng tạo. Cách thức họa sĩ truyền tải thông điệp qua hình vẽ, qua đó dẫn đến sự tiếp nhận của người xem. Lúc này, kết quả của quyết định “tôi thích” hay “tôi không thích” đều hoàn toàn có thể xảy ra. Không có một sự hòa hợp nào cho hai đối cực. Họa sĩ đã hoàn thành tác phẩm và có công chúng của riêng mình. Cần hoàn thiện mình hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tìm tòi, đóng góp hơn nữa hay dừng lại, cảm thấy “đủ” là tự thân mỗi họa sĩ cảm nhận.

 Cái hay của tác phẩm, tài năng của họa sĩ không giới hạn trong kích thước, chất liệu hay thời gian sáng tác. Càng không phải sự chạy đua theo các yếu tố này. Hãy để nghệ thuật có tiếng nói riêng, độc lập, vượt khỏi chủ quan cá nhân và tôn trọng sự đánh giá, thẩm định một cách nghiêm túc cả về mặt hàn lâm cũng như mặt xã hội.

Việc quyết định dừng cuộc triển lãm trước giờ khai mạc là điều không nên để xảy ra. Sai sót chắc chắn có. Tổn thất (tạm thời) cũng có (ít nhất là về khía cạnh tài chính của cá nhân). Nhưng việc cởi mở tranh luận đã là một tín hiệu rất mừng cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam.

Chúng ta, nên chăng giảm bớt thái độ, lời lẽ chỉ trích, đối với nhau cũng như đối với chính quyền, mà tranh luận tích cực, ôn hòa, rành mạch cho một sự phát triển công bằng, văn minh. Sự thật và đúng đắn luôn được công nhận, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Và công chúng yêu nghệ thuật xứng đáng được thông tin rõ ràng, logic ở mọi điểm, cơ sở hội họa cũng như xã hội.

Họa sĩ CÔNG QUỐC HÀ