Cà Mau triển khai tiêm vaccine Covid-19

Vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu

- Thứ Năm, 22/04/2021, 11:09 - Chia sẻ
Sau thời gian chuẩn bị, với tinh thần chu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng, ngành y tế tỉnh Cà Mau đã và đang trang bị đầy đủ các điều kiện, bảo đảm đúng quy trình và an toàn cho các đối tượng tiêm vaccine Covid-19.

Triển khai 6 điểm tiêm trong đợt đầu

Tối 13.4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận 6.700 liều vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 đầu tiên. Được biết, vaccine AstraZeneca được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, gồm 2 mũi cách nhau từ 4 - 12 tuần. Vaccine được bảo quản trong môi trường lạnh từ 2 - 8 độ C trong suốt quá trình vận chuyển và được tiếp nhận, bảo quản nhiệt độ an toàn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau Đặng Hải Đăng cho biết, svaccine này sẽ được chia làm 2 đợt tiêm và tổ chức tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Trong đợt tiêm đầu tiên, ngành y tế sẽ triển khai 6 điểm tiêm gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh ủy, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi, Bệnh viện Mắt – Da liễu và Bệnh viện Y học Cổ truyền.

Lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được tiếp nhận và bảo quản tại CDC Cà Mau
Lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được tiếp nhận và bảo quản tại CDC Cà Mau

An toàn được đặt lên hàng đầu

Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Nguyễn Văn Dũng cho hay, sau khi được Bộ Y tế phân bổ 6.700 liều vaccine đợt đầu tiên cho tỉnh, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh, ưu tiên nhóm tiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Do lượng vaccine ít nên tỉnh chỉ tập trung cho 3 nhóm đối tượng nguy cơ đầu tiên. Ðó là nhóm người làm việc trong các cơ sở y tế, nhóm thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và nhóm người làm việc ở các khu cách ly tập trung.

Theo Sở Y tế tỉnh, với 6.700 liều vaccine vừa tiếp nhận, tỉnh bố trí 27 điểm tiêm ở các cơ sở y tế. Trong đó, cấp tỉnh gồm các bệnh viện công và bệnh viện tư, bệnh viện quân dân y; cấp huyện sẽ bố trí tiêm các bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện có giường bệnh. Dự kiến, từ ngày 26 - 29.4 sẽ tiến hành tiêm đợt vaccine đầu tiên về phòng, chống dịch Covid-19 cho khoảng 2.210 người. Đợt tiêm thứ 2 diễn ra từ ngày 10 - 14.5. Trong đợt dầu tiên, người thực hiện tiêm chủng ở tuyến huyện được mời theo dõi và rút kinh nghiệm cho đợt sau, khi tiêm tại các bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện cho toàn bộ đối tượng còn lại ở đợt 2.

Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau nêu rõ, để bảo đảm công tác tiêm chủng an toàn, hướng tới tiêm chủng toàn dân vaccine Covid-19, đến thời điểm này ngành y tế Cà Mau đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho 900 người trực tiếp tham gia tiêm chủng từ tỉnh đến cơ sở. Từ cơ sở y tế công lập đến tư nhân, trong đó chú trọng về tổ chức một điểm tiêm chủng theo đúng quy định Bộ Y tế, gồm phòng chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm và phòng theo dõi sau tiêm. Ðặc biệt, tập huấn kỹ thuật tiêm, xử lý các phản ứng sau tiêm chủng, làm sao đảm bảo mỗi người phải đạt trình độ, kỹ năng đúng kỹ thuật và an toàn.

Ngoài ra, khi chuẩn bị xong các điều kiện tiêm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra sự sẵn sàng của các điểm tiêm chủng. Khi tiến hành tiêm, ban chỉ đạo và nhân viên chuyên môn sẽ tiếp tục giám sát trong quá trình tiêm. Mọi điều kiện chuẩn bị trên tinh thần kỹ nhất, an toàn nhất. Ðó cũng là lý do không tổ chức tiêm ở trạm y tế xã mà tiêm ngay tại các bệnh viện để bảo đảm an toàn cho các đối tượng tiêm. Còn vaccine vẫn giữ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ cấp xuống huyện trong những ngày tiêm chủng để bảo đảm.

Theo Sở Y tế, lần đầu tiên Cà Mau tổ chức tiêm chủng loại vaccine mới. Dù thời gian qua có nhiều thông tin về tác dụng phụ của vaccine, s ong Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế vẫn khẳng định an toàn và sau khi cân nhắc về mặt lợi ích, vẫn khuyến cáo tiêm, dù có phản ứng phụ nhưng vẫn được xử lý tốt và không có gì đáng tiếc xảy ra. Ông Dũng cho biết thêm, điều quan trọng nhất là khâu đầu tiên - khám sàng lọc - những đối tượng có đủ điều kiện tiêm hay không (có những trường hợp được chỉ định tiêm và không chỉ định tiêm). Kỹ thuật tiêm khá đơn giản, nhưng quan trọng hơn hết là theo dõi sau tiêm, nếu có phản ứng bất lợi phải phát hiện và xử lý kịp thời.

Vân Phi