Bạn đọc viết:

Từ hiểu biết đến tuân thủ pháp luật

- Thứ Hai, 22/08/2022, 06:15 - Chia sẻ

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977) và “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Đề án 979). Hai đề án này có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, từ việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân sẽ tác động tới việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với phương châm tìm hiểu, tuân theo pháp luật vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.  

Mỗi một đề án có những mục tiêu riêng, song đều hướng tới việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL được xác định dựa trên sự đo lường mức độ nhận thức, hiểu biết và ý thức tuân theo pháp luật của cá nhân, tổ chức. Để thực hiện mục tiêu này, hai Đề án đã xác định các nhóm giải pháp trọng tâm. Chẳng hạn, Đề án 977 xác định việc thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.

Đặc biệt là thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp là giải pháp trọng tâm. Việc hoàn thiện chính sách, thể chế được thực hiện theo hướng Nhà nước tạo dựng các điều kiện cần thiết để người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật được thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ. Qua đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả cho việc triển khai các hoạt động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cũng như nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Hay, Đề án 979 khẳng định, việc đánh giá xây dựng Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL không chỉ đánh giá quá trình quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, mà còn đánh giá sự tác động đến nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng được PBGDPL. Và, đổi mới công tác PBGDPL thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số; gắn kết chặt chẽ trong toàn bộ quá trình hoạch định chính sách, xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật; tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường tiếp cận thông tin pháp luật, dân chủ ở cơ sở... thì việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần phải được tiếp cận theo một cơ chế mới, có tính khoa học, khách quan, toàn diện, chặt chẽ, khả thi, thực chất.

Có thể thấy sự quan tâm của Chính phủ trong việc PBGDPL - coi sự tăng cường nhận thức của các cấp lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công tác PBGDPL, là cơ sở để đổi mới cách thức tổ chức PBGDPL, góp phần đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời, giúp bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng đúng nhu cầu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Mục tiêu đã rõ, các giải pháp cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, để các đề án phát huy được hiệu quả, bên cạnh việc giao rõ đầu việc cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức nằm trong Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội…, đặc biệt là cần thúc đẩy hơn nữa việc xã hội hóa hoạt động này thì cần kết hợp với đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL với các chỉ số đang được tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành địa phương như Bộ chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); bộ chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số cải cách hành chính (Par Index); tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...). Có như vậy, mới bảo đảm tính thống nhất, đồng thời tiết kiệm về thời gian và nguồn lực khi triển khai đồng thời 2 đề án.

Phạm Hải