Nghệ An

Gỡ vướng cho mạng lưới cán bộ thú y cơ sở

- Thứ Năm, 18/08/2022, 05:43 - Chia sẻ

Trước những vướng mắc do không còn cán bộ thú y cấp xã, ngày 9.12.2021, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 23/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND. Trong đó, đã bổ sung chức danh thú y vào nhóm chức danh bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn. Sự điều chỉnh này đã bước đầu khắc phục được tình trạng “trống” cán bộ thú y cơ sở, tuy vậy vẫn còn không ít trăn trở.

Vướng vì tiêu chuẩn bằng cấp chuyên môn

Thực hiện Nghị quyết trên, các huyện, thị đã nhanh chóng bố trí lại chức danh thú y cơ sở. Việc này đã giúp công tác kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Tuy vậy, sau hơn nửa năm triển khai, nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn trong hoàn thiện bộ máy.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến ngày 3.5.2022, Nghệ An mới chỉ tuyển dụng lại được 285 cán bộ thú y xã, trong khi nhu cầu là 460 người. Như vậy, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 175 người; mới chỉ có 3 địa phương là Quỳ Châu, Cửa Lò và Nghĩa Đàn tuyển đủ chỉ tiêu. Một số huyện có tỷ lệ tuyển dụng đạt rất thấp như Kỳ Sơn mới chỉ có 1/21 xã đã tuyển dụng được; Nghi Lộc 7/29 xã; Thanh Chương 21/38 xã; Anh Sơn 3/21 xã…

Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An Đặng Văn Minh cho hay: thời gian qua, UBND tỉnh đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nhanh chóng khôi phục hệ thống thú y cơ sở, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi mức phụ cấp còn thấp, chưa thu hút được những người học chuyên ngành thú y có chuyên môn tốt. Quy định chức danh thú y cơ sở ở vùng đồng bằng phải có bằng trung cấp chuyên môn thú y trở lên; vùng miền núi, vùng khó khăn phải có bằng sơ cấp trở đã lên khiến nhiều địa phương không thể tìm người đủ chỉ tiêu. Nghịch lý ở chỗ, có lực lượng có đầy đủ bằng cấp nhưng mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y ở ngoài chứ không muốn đảm nhận chức danh bán chuyên trách thú y của xã.

Bà Lô Thị Tâm, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết, đến nay, huyện đã tuyển được 5 cán bộ thú y cho 13 xã. “Người muốn làm, tâm huyết, có kinh nghiệm thì bằng cấp không đáp ứng được. Người trẻ thì chủ yếu đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, đi làm nghề chứ ít ai học nghề thú y, nhiều xã vận động mãi vẫn chưa có người nộp hồ sơ. Để khắc phục, nhiều xã đang tự bỏ ngân sách ra vận động và thuê những người có chuyên môn, kinh nghiệm; hoặc một số rất ít xã cán bộ bán chuyên trách nông nghiệp có chuyên môn thú y," bà Lô Thị Tâm cho hay.

Mừng... nhưng không thể tuyển dụng lại

Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thành Nguyễn Văn Thuận nêu khó khăn, vướng nhất là nhiều hồ sơ ứng tuyển không đáp ứng được yêu cầu về trình độ văn hóa, chuyên môn theo Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù rất nhiều người có thâm niên, kinh nghiệm làm việc. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các xã tạm thời giao cán bộ công chức nông nghiệp của xã, hoặc công chức, cán bộ không chuyên trách khác nhưng có trình độ chuyên môn về lĩnh vực thú y kiêm nhiệm thêm lĩnh vực này.

Có kinh nghiệm hơn 20 năm là cán bộ thú y tại xã Lý Thành, Yên Thành, sau 2 năm tỉnh bỏ chức danh thú y bán chuyên trách, từ đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Nam vẫn ký hợp đồng với xã để làm công việc này. Khá vui mừng và thạo nghề, nhiều kinh nghiệm nhưng một vướng mắc mới lại phát sinh là để được tuyển dụng lại, ông phải đáp ứng được các điều kiện quy định mới về tiêu chuẩn bằng cấp.

Tình trạng thiếu cán bộ thú y xã đang gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành Nguyễn Trọng Hương cho hay, sau kiện toàn, huyện mới tuyển dụng lại được 18/39 cán bộ thú y xã. Khó ở chỗ người trẻ, đủ bằng cấp thì không muốn làm nhưng người có thâm niên, kinh nghiệm làm việc thì lại không thể tuyển dụng lại vì không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về bằng cấp.

Tương tự, tại huyện Quỳnh Lưu là địa phương đi đầu trong việc thanh lý hợp đồng với cán bộ khuyến nông cơ sở sau khi chức danh thú y kiêm khuyến nông viên cấp xã bị bãi bỏ, nay tuyển dụng, tiếp nhận cũng gặp vướng. Hiện tại, toàn huyện đã xây dựng được hồ sơ ứng viên cho 30/33 xã, thị trấn để trình Phòng Nội vụ duyệt, nhưng khó khăn ở chỗ, có xã thì có cán bộ có chuyên môn về thú y, có xã lại có cán bộ chuyên môn về khuyến nông hoặc bảo vệ thực vật và nông nghiệp nên muốn đưa vào bố trí, bổ sung cũng phải cân nhắc.

Các huyện đồng bằng đã thế, đối với các huyện miền núi, việc bố trí lại chức danh thú y xã còn gặp khó khăn hơn. Sau mấy tháng ra thông báo tuyển dụng, đến nay xã Chi Khê (huyện Con Cuông) mới chỉ nhận được một bộ hồ sơ ứng tuyển, tuy nhiên lại không đáp ứng yêu cầu về trình độ, bằng cấp. Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê Nguyễn Thị Thắng cho biết, hiện vào các đợt tiêm phòng, xã phải thuê người  nhưng kinh phí khó khăn, nguồn tiền này phải xã hội hóa, trong khi đời sống người dân còn khó khăn, nhận thức về công tác tiêm phòng chưa cao, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm phòng. 

Bài và ảnh: Nguyễn Hải