“Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013”

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 15:03 - Chia sẻ

Là chủ đề của hội thảo khoa học do Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP. Hà Nội, Thành uỷ Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng Nông thôn (CCRD) phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 30.9. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Quản trị đất đai khu vực Me Kong (MRLG).

“Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013” -0
Sửa  đổi, bổ  sung pháp luật về  đất đai trong nông nghiệp góp  phần thúc đẩy phát  triển nông nghiệp hiện đại 

Tích tụ, tập trung đất đai còn chậm

Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP. Hà Nội, PGS-TS Phạm Minh Anh nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. Đơn cử, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường (đặc biệt là khu vực đất ven đô). Trong khi đó, biên độ giá đất khu vực nông thôn quy định còn rộng, dẫn đến còn nhiều khu vực chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê… chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực hiện và phiền hà cho người sử dụng đất…

Đồng tình với ông Anh, PGS – Ts Đỗ Thị Tám, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu thực tế, cơ chế và mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp... còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của người sử dụng đất và cản trở đầu tư vào nông nghiệp – một lĩnh vực rất kén nhà đầu tư. Kết quả tích tụ và tập trung ruộng đất hiện nay đã ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; hạn chế trong thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phát huy lợi thế vùng. Do vậy sản xuất nhỏ vẫn phổ biến, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không cao từ đó làm chậm quá trình hội nhập kinh tế.

“Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013” -0
Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP. Hà Nội, PGS-TS Phạm Minh Anh phát biểu tại hội thảo

Bảo  đảm quyền tiếp cận thông tin về đất đai
ThS. Trương Quốc Cần Viện Tư vấn phát triển KTXH Nông thôn và Miền núi đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai 2013. Chẳng hạn, Dự thảo đã bổ sung một số quy định liên quan đến hệ thống thông tin, cơ sở dữu liệu về đất đai và tiếp cận của công dân đối với các thông tin đất đai. Đặc biệt, hệ thống thông tin và dịch vụ công trực tuyến; Thay đổi cơ bản trong định giá đất, hướng đến việc định giá đất một cách thực chất, sát với thị trường; làm rõ hơn phạm vi thu hồi đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng giới trong phần quy định về quyền của công dân đối với đất đai…

Tuy nhiên, ông Cần cho rằng, còn có những vấn đề cần hoàn thiện hơn để bảo đảm tính thực thi, hiệu quả nguồn tài nguyên quý  giá này.  “Quy định về hệ thống thông tin đất đai, tiếp cận thông tin đất đai và công khai thông tin đất đai còn nhiều điểm chưa có sự đồng bộ giữa các phần. Nên bổ sung một khoản để phân loại rõ các nhóm thông tin đất đai và giới hạn tiếp cận thông tin đất đai, trong đó làm rõ danh mục các loại thông tin và mức độ tiếp cận với từng nhóm đối tượng’ , ông Cần phân tích.

Thực tế cho thấy, việc quy định rõ ràng danh mục thông tin và giới hạn tiếp cận này sẽ tạo điều kiện cho mọi thành phần trong xã hội có thể tiếp cận được những thông tin cơ bản về đất đai, đảm bảo tính minh bạch và tăng cường hiệu quả giám sát. Mặt khác cũng đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trong việc vận hành và khai thác hệ thống thông tin đất đai. Từ góc nhìn này, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về quyền giám sát của công dân và cơ chế để đảm bảo sự giám sát của công dân cần được lồng ghép xuyên suốt và cụ thể hơn trong các tiến trình liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể là trong cơ chế tham vấn, tiếp nhận, giải trình với các ý kiến đóng góp của người dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án thu hồi, đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với các quy định về quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như trong tiến trình thẩm định giá đất về cơ bản giao toàn quyền quyết định cho cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp. Để đảm bảo yếu tố chuyên nghiệp và độc lập, cần có quy định tăng thành phần các cơ quan chuyên môn, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp không thuộc hệ thống chính quyền, và đặc biệt là vai trò vai trò giám sát, ra quyết định của QH, HĐND các cấp cần được thể hiện rõ hơn trong các tiến trình này.

Box: Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu vào các nội dung: bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; thực trạng tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay và giải pháp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững; những khó khăn, bất cập trong thực thi pháp luật về thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường, tái định cư theo Luật Đất đai 2013 và đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật… Các kinh nghiệm một số nước trên thế giới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đáp ứng phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cũng được các đại biểu chia sẻ.

Phạm Hải
#