Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

- Thứ Hai, 22/08/2022, 05:43 - Chia sẻ

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu phòng, chống rửa tiền trong tình hình mới cũng như cụ thể, nội luật hóa các khuyến nghị quốc tế. Song do yêu cầu cấp bách sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp, theo nhiều chuyên gia, Dự thảo luật cần được rà soát một cách kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cân nhắc phạm vi điều chỉnh

Theo thuyết minh Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Khoản 1, Điều 1 về phạm vi điều chỉnh được sửa theo hướng bỏ từ “xử lý” so với Luật hiện hành với lý do: các quy định về xử lý với hành vi rửa tiền đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác liên quan như Bộ luật Hình sự, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành một số luật có cụm từ “phòng, chống” như Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Theo đó, Điều 1, Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Khoản 7, Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy giải thích: Phòng, chống ma túy là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy”. Cụm từ “đấu tranh chống tội phạm” có thể hiểu là có liên quan đến xử lý. Như vậy, có thể thấy các luật này đều quy định (trực tiếp hoặc gián tiếp) việc xử lý các hành vi liên quan đến ma túy, tham nhũng và khủng bố, dù các hành vi này đều được hình sự hóa trong Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 có nêu năm hạn chế, bất cập của Luật hiện hành và hai nguyên nhân của hạn chế, bất cập, song không có nội dung nào liên quan đến phạm vi điều chỉnh dẫn đến việc cần bỏ cụm từ “xử lý”.

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, nếu bỏ cụm từ “xử lý” thì cũng cần bỏ cụm từ “pháp luật hình sự”, vì pháp luật hình sự chỉ quy định xử lý đối với hành vi phạm tội. Trong dự thảo luật sửa đổi lần này, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đã được cụ thể hóa bằng nhiều điều luật. Nếu bỏ cụm từ “xử lý” thì các cơ quan nhà nước chỉ còn trách nhiệm trong phòng ngừa rửa tiền. Do đó, cần cân nhắc việc bỏ cụm từ “xử lý” trong phạm vi điều chỉnh vì liên quan đến nhiều nội dung của dự thảo luật, nhất là chính sách của Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và các hành vi bị cấm.

Toàn cảnh tọa đàm Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền thông qua tài sản ảo
Toàn cảnh tọa đàm Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền thông qua tài sản ảo

Thống nhất trong giải thích từ ngữ

Có 18 từ ngữ được giải thích tại Điều 3 Dự thảo. Theo đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội không độc lập mà có sự đan xen, áp dụng nhiều văn bản khác nhau. Do đó, cùng một từ ngữ cần được giải thích giống nhau giữa các văn bản, tránh mâu thuẫn, vướng mắc khi áp dụng.

Đơn cử, Khoản 2 Điều 3 Dự thảo nêu: “tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”. Đối chiếu thì thấy cách giải thích này không thống nhất với khái niệm tài sản tại Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 khi quy định: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Cùng quan điểm nhưng dẫn chứng một ví dụ khác, TS. Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, để phù hợp với nội hàm khái niệm tại Công ước Hague và nội dung khuyến nghị số 25 của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), Dự thảo sửa đổi cụm từ “Dịch vụ ủy thác đầu tư” thành “Cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý”. Và thỏa thuận pháp lý tại Điều 3 được giải thích “là thỏa thuận ủy thác hoặc các thỏa thuận khác có bản chất tương tự được xác lập theo luật pháp nước ngoài, cho phép bên nhận ủy thác được nhận chuyển giao quyền sở hữu hợp pháp tài sản từ người ủy thác để thực hiện điều hành, quản lý, giám sát tài sản vì lợi ích của người thụ hưởng hoặc vì một mục đích được xác định trong thỏa thuận ủy thác.”

Song việc giải thích như trên là chưa phù hợp bởi có thể dẫn đến xung đột giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật nước ngoài có liên quan trong vấn đề ủy thác cũng như về chế độ sở hữu tài sản. Ngoài ra, việc giải thích mục đích của thỏa thuận pháp lý là “vì lợi ích của người thụ hưởng hoặc vì một mục đích được xác định trong thỏa thuận ủy thác” không thực sự cần thiết, bởi việc ủy thác có thể vì bất kỳ mục đích gì.

TS. Nguyễn Minh Khuê đề xuất, nên sử dụng thống nhất cách giải thích tại Khoản 10, Điều 1 Thông tư 20/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn một số quy định về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, thỏa thuận pháp lý bao gồm các thỏa thuận được thiết lập bằng văn bản giữa tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước về ủy thác, ủy quyền đối với việc quản lý và sử dụng tiền, tài sản.

Hải Vân