Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”

- Thứ Hai, 30/11/2020, 14:45 - Chia sẻ
Ngày 30.11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nói riêng, chúng ta một số nét đặc thù trong phong cách của Người bằng lý luận đồ sộ, thành dạng học thuyết  mà thể hiện bằng cách viết và nói những điều dễ hiểu, dễ nhớ sao cho những tư tưởng ấy thấm sâu trong suy nghĩ và nhận thức của ừng cán bộ, từng người dân. Đó là tư tưởng về Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với “thần linh pháp quyền” trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật.

Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, đòi hỏi công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng cần có những bước phát triển vững chắc hơn. Bối cảnh đó đã và đang đặt ra những nhu cầu cấp thiết tiếp tục nghiên cứu, nhận diện sâu sắc hơn nữa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước về pháp luật cũng như đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề: nguồn gốc hình thành, đặc trưng cơ bản và các yếu tố chi phối quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong 75 năm qua, nhất là trong 35 năm đổi mới; giải pháp vận dụng sâu sắc hơn tư tưởng của Người trong giai đoạn mới để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn từ nay tới 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang thể hiện…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận các tham luận như quan niệm về dân chủ và Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật...); Thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam; bài học kinh nghiệm cho công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới của nước ta; Nhu cầu, quan điểm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân...

Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ biên Hội đồng Lý luận Trung ương, GS. TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi phải ra sức thực hành dân chủ cùng với tăng cường đoàn kết và xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Cùng với pháp luật, Người còn thường xuyên chú trọng đạo đức, giáo dục và thực hành đạo đức cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức trong các cơ quan công quyền, trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, giữa công chức với công dân. Trong nhiều năm ở cương vị Chủ tịch Chính phủ và Chủ tịch nước, Người thể hiện sâu sắc sự kết hợp đức trị với pháp trị trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội.  

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu kết luận hội thảo

Kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia, các cán bộ quản lý cùng nghiên cứu, nhận thức toàn diện hơn, sâu sắc hơn nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật, thực tiễn vận dụng tư tưởng đó ở nước ta 75 năm qua, từ đó đưa ra những đề xuất , kiến nghị tiếp tục vận dụng những giá trị lớn lao trong tư tưởng của Người trong thời gian tới. Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2020) - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn đang tích cực chuẩn bị Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đề ra nhiều định hướng quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sớm công bố các kết quả nghiên cứu của Hội thảo để các tầng lớp cán bộ, Nhân dân được tiếp cận một các đầy đủ, đồng thời xây dựng báo cáo kết quả Hội thảo gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật, tham gia hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, hoàn thiện theo đúng tư tưởng và ý nguyện của Người.

Đình Khoa