Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Ưu tiên vùng khó khăn

- Thứ Tư, 16/06/2021, 06:21 - Chia sẻ
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nên ưu tiên đầu tư ở những vùng khó khăn trước. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn kiểu mẫu nên để cho các địa phương tự quyết định. Tương tự, việc duy tu, bảo dưỡng công trình trong xây dựng nông thôn mới nên phân cấp để các địa phương tự lo...

Bảo đảm không chồng chéo

Tại phiên họp thẩm tra Báo cáo đề xuất Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) do Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 chính là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Đồng thời phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Chương trình được thiết kế với 11 nội dung thành phần, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% tổng số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 40% nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh của cả nước hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 20% số huyện được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định. "Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025 có bổ sung tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn kiểu mẫu”, Thứ trưởng Trần Thành Nam cho biết. 

Việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 chú trọng tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra. Chương trình cũng đặt yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam, tăng cường trồng cây xanh khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn và phát huy truyền thống của các dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở tiêu chí, định mức đã được quy định, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ: “Chủ tịch UBND tỉnh sẽ điều tiết các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm không chồng lấn, chồng chéo”.

Không để xã khó khăn bị bỏ lại phía sau

Nhất trí với chủ trương đầu tư Chương trình, các đại biểu tham dự phiên họp cho rằng, đây là chương trình rất cần thiết, lâu dài và từng bước phải được coi là một thành tố, một giải pháp trong Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương lưu ý, dự thảo Chương trình không áp dụng đối với xã vùng đặc biệt khó khăn nhằm tránh trùng lặp với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khi đó, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt dưới 25% đều rơi vào các tỉnh vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, ông Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh “nếu tiếp tục đưa các xã vùng đặc biệt khó khăn ra khỏi chương trình nông thôn mới sẽ dẫn đến hậu quả là vùng dân tộc thiểu số ngày càng tụt hậu xa hơn so với sự phát triển của nông thôn Việt Nam”.

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ngay trong giai đoạn 2010 - 2020, chúng ta đã có hệ số 4 và hệ số 5 (ưu tiên phân bổ) cho các xã ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Đối với hệ số 5 ưu tiên phân bổ cho các xã dưới 5 tiêu chí. Từ năm 2010, hơn 3.000 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đến năm 2015 chỉ còn hơn 500 xã và đến năm 2020 không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đối với hệ số 4 là các xã khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ưu tiên phân bổ tập trung cho các xã dưới 10 tiêu chí, đến năm 2020 còn 473 xã dưới 10 tiêu chí. Trong chỉ tiêu đến năm 2025, chương trình xây dựng nông mới phấn đấu không còn xã dưới 15 tiêu chí, có nghĩa đã bao hàm các xã dân tộc thiểu số và miền núi.

Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đan xen nhau gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, lo ngại về trùng lặp đối tượng, dự án thành phần giữa 3 Chương trình là hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề này nên được xử lý bằng việc thành lập ban chỉ đạo chung và xây dựng hệ thống thông tin đánh giá chung cho cả 3 chương trình. Đối với những xã đặc biệt khó khăn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phải ưu tiên bổ sung nguồn lực, không để những xã này bị bỏ lại phía sau.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, “trong điều kiện nguồn lực có hạn, cơ chế đầu tư nên tập trung ưu tiên vùng khó khăn trước. Đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn kiểu mẫu, nên để các địa phương tự quyết định. Tương tự, việc duy tu, bảo dưỡng công trình trong xây dựng nông thôn mới nên phân cấp để các địa phương tự lo. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới không thể chỉ dựa trên nguồn lực đi xin, không thể cứ lại bao cấp”.

Anh Thảo