Chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân dioxin

Ưu tiên thực hiện tại các điểm tồn lưu lớn

- Thứ Ba, 07/12/2021, 06:04 - Chia sẻ
Bên cạnh nỗ lực tẩy độc ô nhiễm chất dioxin thì việc triển khai can thiệp y tế công cộng nhằm thúc đẩy thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, ngăn chặn tình trạng nhiễm mới chất dioxin cho người dân tại đó là một trong những ưu tiên của Dự án “Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021” do Bộ Y tế triển khai.
Khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi tại tỉnh Nghệ An

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nhiều địa điểm ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ninh… còn tồn lưu một lượng lớn dioxin trong đất canh tác, các ao hồ, sông ngòi... Từ đó, nhiễm vào các nguồn thực phẩm là các thủy sinh vật, thực vật rau củ, thủy cầm, gia cầm gia súc... nên người dân sống ở quanh các “điểm nóng” rất dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, việc lựa chọn các địa phương còn tồn lưu lượng lớn dioxin được ngành y tế ưu tiên thực hiện.

Đơn cử tại xã Cát Tân, huyện Phù Cát; tỉnh Bình Định các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức quản lý sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế, phòng ngừa bệnh tật cho người dân sống quanh điểm nóng về phơi nhiễm với chất độc hóa học cho khoảng 3.300 hộ gia đình (ước tính trung bình 5 người/1 hộ gia đình). Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ tuyến huyện và xã tại vùng dự án về sàng lọc định kỳ năm về các vấn đề sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Tổ chức 2 lớp tập huấn cho 50 Cán bộ thuộc Trung tâm Y tế Phù Cát, nhân viên và cộng tác viên thuộc các Trạm Y tế xã Cát Tân, huyện Phù Cát. Hiện, Dự án đang thực hiện triển khai tại xã Cát Tân và thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định.

Đại diện Cục Quản lý, Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Dự án đã thực hiện sàng lọc phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe cho khoảng 6.000 người dân sống quanh các điểm nóng về phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin trong đó có  gần 3.000 người dân sống quanh các điểm nóng về phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin ở vùng dự án có vấn đề về sức khỏe và có nhu cầu khám chữa bệnh, phục hồi chức năng”. Đồng thời, người dân sống quanh “điểm nóng” đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ, được tiếp cận với các dịch vụ y tế, và được tư vấn khám chữa bệnh, phục hồi chức năng phù hợp với tình trạng bệnh, tật tại các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và tại cộng đồng.

Ngoài ra, dự án đã xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, tình nguyện viên địa phương được trang bị những kiến thức và kỹ năng truyền thông về dự phòng phơi nhiễm chất dioxin qua thực phẩm cho người dân. Trong gần 3 năm, các tuyên truyền viên tuyên truyền về nguy cơ phơi nhiễm, tác hại của dioxin đối với sức khỏe và dán tờ tranh hướng dẫn các biện pháp dự phòng phơi nhiễm dioxin; lồng ghép trong các buổi họp tổ dân phố, truyền thông trên đài phát thanh, các tranh khổ lớn dán tại khu vực đông người như chợ, trạm y tế... Từ đó, dần dần nâng cao nhận thức, giúp người dân biết cách lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn; các biện pháp dự phòng quan trọng như không chăn nuôi, canh tác, thả cá ở khu vực ô nhiễm chất dioxin…

Để giúp gia đình có trẻ khuyết tật dễ dàng tiếp cận được những kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc vận động cho trẻ khuyết tật, Dự án “Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hoá học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021” đã xây dựng video về những nội dung này trên trang web của dự án. 

Phát hiện sớm thông qua khám sàng lọc 

Đối với các nạn nhân chất độc hóa học/người khuyết tật nói chung, quá trình phục hồi chức năng sẽ diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn nếu được phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, đặc biệt là ngay từ giai đoạn thai nhi và sau sinh (trước 6 tuổi). Với tổng kinh phí hơn 76 tỷ đồng, dự án được triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó việc cung cấp dịch vụ triển khai ở 11 tỉnh/thành phố có số lượng lớn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị mắc bệnh, tật có liên quan đến CĐHH/dioxin: Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Tĩnh.

Theo thống kê, đến nay đã có hơn 30.000 trẻ được sàng lọc, phát hiện sớm. Trong đó, có 2.540 trẻ thuộc 44 xã tại các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; 26.120 trẻ thuộc 57 xã tại 2 huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; 7.000 trẻ tại 15 phường/xã của thành phố Hà Tĩnh... 

Đại diện Cục Quản lý, Khám chữa bệnh, Bộ Y tế  cho biết thêm, ngoài khám sàng lọc trực tiếp cho trẻ, Dự án còn thực hiện tập huấn cho cán bộ là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Sau gần 3 năm triển khai, dự án đã tập huấn cho hơn 1.000  cán bộ y tế là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc chuyên ngành sản, nhi, phục hồi chức năng tại các  tỉnh: Thái Nguyên, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa về kỹ thuật phục hồi chức năng cho nạn nhân/người khuyết tật tại cộng đồng; các bà mẹ có con dưới 6 tuổi trong vùng dự án được tiếp cận thông tin về phục hồi và chăm sóc trẻ khuyết tật.

Thái Yến-Nguyễn Ngân