Ưu tiên thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

- Thứ Ba, 09/11/2021, 06:16 - Chia sẻ

Trong phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và phòng, chống Covid-19 hôm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề cập vấn đề khoảng cách giàu - nghèo bị nới rộng, nhất là khi dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến kế sinh nhai, việc làm của nhóm nghèo nhất xã hội. Bảo đảm công bằng trong tiến trình phát triển phải là trung tâm của các chính sách và điều đó càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch hiện nay.

Khoảng cách giàu nghèo vốn là vấn đề lớn ở nhiều quốc gia và Covid-19 càng làm cho nó trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, trong năm 2020, đại dịch đã đẩy 75 - 80 triệu người dân ở các nước đang phát triển châu Á vào tình trạng nghèo cùng cực, tức là sống dưới mức 1,9 USD/ngày (khoảng 43.000 đồng/ngày). Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cảnh báo đại dịch sẽ hình thành một thế hệ người nghèo mới với khoảng 88 - 115 triệu người rơi vào cảnh sống nghèo cùng cực.

Ở nước ta, kết quả khảo sát mức sống dân cư trong năm đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện (2020) cho thấy, thu nhập bình quân của nhóm hộ giàu nhất cao gấp 8 lần nhóm hộ nghèo nhất. Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất là 3,5 lần (4,8 triệu đồng so với gần 1,4 triệu đồng).

Khoảng cách thu nhập gia tăng không chỉ đúng cho các nhóm dân cư mà còn đúng giữa các vùng kinh tế, giữa đô thị và nông thôn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, GDP bình quân đầu người của Hà Nội khoảng 125 triệu đồng; còn GDP bình quân đầu người của Hậu Giang chỉ xấp xỉ 50 triệu đồng.

Tính theo chi phí sinh hoạt, nhóm 5 tỉnh, thành phố có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất nước lần lượt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai. Ở chiều ngược lại, nhóm 5 tỉnh, thành phố có chi phí sinh hoạt thấp nhất được ghi nhận lần lượt là Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hà Nam, Đồng Tháp. Nghĩa là có tới 4 tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm “sống rẻ nhất”. Cụ thể, chi phí sinh hoạt người dân Hậu Giang chỉ bằng 89,68% so với chi phí sinh hoạt của người dân tại Hà Nội.

Những số liệu này cho thấy, chính sách về bảo đảm công bằng và hài hòa trong phát triển cần có sự đánh giá lại về mặt hiệu quả. Chính sách này gồm có 2 nhóm công cụ chính sách chính: thuế - để điều tiết và phân phối lại thu nhập, và chính sách an sinh xã hội - để hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm yếu thế hơn.

Về mặt thực thi chính sách thuế, đặc biệt là với các nhóm thu nhập cao, có những điểm sáng nhưng vẫn còn những hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thuế thu nhập cá nhân tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 73.000 tỷ đồng, tương đương với 67,7% dự toán. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 59.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa ban hành đồng bộ, cũng như thực thi hiệu quả các loại thuế tài sản, đặc biệt là thuế về bất động sản. Thuế chuyển nhượng tài sản, vừa giúp chống đầu cơ, vừa bảo đảm thu nhập của những người có tài sản lớn đóng góp một phần vào ngân sách cần tiếp tục hoàn thiện.

Ở khía cạnh chi tiêu cho an sinh xã hội, hiệu quả giải ngân tổng thể của các chương trình xóa đói giảm nghèo, các chương trình về đào tạo lao động, tạo việc làm cũng cần phải đánh giá lại một cách toàn diện. Ngay trong đại dịch, Chính phủ đã đề xuất các gói hỗ trợ lao động, tuy nhiên trừ các gói phát trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong giai đoạn dịch bùng phát, người dân nhiều nơi khác vẫn phản ánh rằng muốn nhận hỗ trợ “phải lên tivi”. Và nhìn rộng hơn còn là một loạt chính sách về công nghiệp hóa, nhà ở xã hội cho người lao động…

Dù đất nước còn ngổn ngang nhiều vấn đề đại dịch gây ra nhưng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cần là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Bởi lẽ trong số những hệ lụy của đại dịch Covid-19 thì gia tăng khoảng cách giàu nghèo là hệ lụy lớn nhất, có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của đất nước.

Hà Lan