Ưu tiên cho thị trường trong nước

- Thứ Tư, 30/06/2021, 11:21 - Chia sẻ
Trước tình trạng giá thép trong nước tăng đột biến thời gian qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường.

Cụ thể, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu thép để ưu tiên nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm cho thị trường trong nước. Theo VSA, dù giá thép bắt đầu giảm từ cuối tháng 5 nhưng hiện tại trên thị trường vẫn "dùng dằng", chưa có chiều hướng tăng giảm rõ rệt. Bởi vậy, các đơn vị tăng cường hợp tác, ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản lý, cải tiến công nghệ nhằm bảo đảm bình ổn giá. Giá bán cần được kê khai, niêm yết theo quy định với hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Đặc biệt, theo VSA, cơ quan Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường nhằm phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ. Duy trì các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành thép.

Thời gian qua, giá thép ở nước ta đã tăng 40 - 50% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Đây là nguyên nhân khách quan, khó tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Tuy nhiên, giải pháp cũng cần được cân nhắc, tránh ảnh hưởng ngành thép trong nước. Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thì cho biết sẽ ưu tiên các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá thép bất hợp lý.

Có thể thấy, về lý thuyết có nhiều giải pháp để điều chỉnh giá thép. Tuy nhiên đi cùng với đó là những ưu - nhược điểm nhất định. Vậy nên, điều quan trọng là cần có giải pháp cho lâu dài chứ không nên chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt.

Tính đến ngày 29.6, giá thép trong nước đã có hơn 1 tuần ổn định ở mức 16 - 17 triệu đồng/tấn với thép cuộn CB240 và 16,65-17,36 triệu đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. So với mức "đỉnh" hồi giữa tháng 5, hiện mỗi tấn thép cuộn đã giảm hơn 1 triệu đồng, thép thanh giảm khoảng 500.000 - 800.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao gấp 1,5 lần thời điểm quý III.2020.

Báo cáo thị trường 5 tháng đầu năm của VSA cũng cho thấy, sản xuất thép các loại đạt hơn 13,4 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2020; sức tiêu thụ tăng 38,2%, đạt hơn 11,9 triệu tấn, trong đó xuất khẩu thép các loại tăng đến 80%, đạt gần 2,8 triệu tấn. Riêng tháng 5, sản lượng thép đạt hơn 2,9 triệu tấn, tăng 3,53% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Dù sức tiêu thụ thép nhìn chung chỉ tăng 30,8% so với cùng kỳ nhưng sản lượng xuất khẩu tăng đến 2,4 lần.

Ninh Khương